Đổi mới, sắp xếp công ty lâm nghiệp: Còn đó nhiều khó khăn cần tháo gỡ…
Việc đổi mới, sắp xếp lại hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo Nghị định 118 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần có giải pháp tháo gỡ…
Những hiệu quả bước đầu
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, tỉnh có 7 công ty lâm nghiệp trực thuộc UBND tỉnh là: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai (trước đây là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Hà), Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei; 1 công ty lâm nghiệp (Công ty TNHH MTV nguyên liệu giấy Miền Nam) và 7 công ty nông nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty là Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum, Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy, Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray, Công ty Cà phê Đăk Uy và Công ty TNHH MTV cà phê 731, 734, 704. Tổng diện tích tự nhiên của các công ty nông, lâm nghiệp trước khi sắp xếp, đổi mới là 277.630,8 ha và sau sắp xếp, đổi mới hiện nay quản lý sử dụng là 237.622,2 ha.
Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP, đến nay, công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo về mặt thời gian và nội dung theo đúng các văn bản chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi sắp xếp, đổi mới theo phương án được phê duyệt, các công ty lâm nghiệp đã cơ bản ổn định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao. Việc sắp xếp còn góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng đất cấp trùng, chồng lấn, lấn chiếm của các hộ gia đình, cá nhân tại các công ty lâm nghiệp. Cũng qua đổi mới, các công ty lâm nghiệp đã phân rõ loại hình doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh và đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được Nhà nước đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác bảo vệ rừng; sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết tìm đối tác đầu tư tạo ra chuỗi sản xuất khép kín trong sản xuất kinh doanh từ trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cho công ty, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương...
|
Minh chứng cho điều đó là các công ty đã dần đi vào hoạt động ổn định, kết quả sản xuất kinh doanh đã và đang mang lại hiệu quả, doanh thu tăng, đời sống của công nhân tăng và tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước cũng tăng. Theo đánh giá, trước khi sắp xếp đổi mới (31/12/2015), 7 công ty lâm nghiệp trên địa bàn đạt doanh thu hơn 57,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4,1 tỷ đồng, lương bình quân hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng và nộp ngân sách đạt 6 tỷ đồng. Thế nhưng sau khi sắp xếp đổi mới (tính đến hết năm 2017), doanh thu 7 đơn vị đạt hơn 124 tỷ đồng (tăng hơn 50% so với trước sắp xếp), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7,75 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 7,2 triệu đồng/tháng và nộp ngân sách nhà nước cũng tăng lên hơn 14,7 tỷ đồng...
Cần tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên, việc đổi mới theo phương án cũng đang gặp phải một số khó khăn. Theo đó, kết quả xác định giá rừng trồng, vườn cây của các công ty lâm nghiệp là 220,684 tỷ đồng và tăng 195,374 tỷ đồng so với tổng giá trị đã đầu tư đang theo dõi trên sổ sách kế toán của các đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giao vốn đối với giá trị rừng trồng nêu trên nên địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện.
Một cái khó nữa là các công ty lâm nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ rừng là chính, chưa thực sự có nhiều hoạt động sản xuất và kinh doanh để đem lại lợi nhuận và doanh thu từ ngành lâm nghiệp do chưa có vốn hoặc cơ chế vay vốn ưu đãi để tổ chức hoạt động, nhất là trong lĩnh vực phát triển rừng trồng là rừng sản xuất và chế biến để tạo các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng trồng để cung cấp cho thị trường.
Ngoài ra, theo phương án sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì tỉnh có Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô thực hiện sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững và 6 công ty TNHH MTV lâm nghiệp khác thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Tuy nhiên, các công ty TNHH MTV lâm nghiệp hiện đang vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do chưa có cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm của Nhà nước...
Từ những vướng mắc, khó khăn trên, mới đây (hồi trung tuần tháng 4), trong chuyến kiểm tra và làm việc với tỉnh về tình hình sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp trên địa bàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Kon Tum đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương liên quan xem xét sớm có hướng dẫn cụ thể việc tăng vốn điều lệ từ giá trị rừng trồng đối với phần chênh lệch tăng thêm so với giá trị đầu tư ban đầu tại các công ty lâm nghiệp làm cơ sở cho các đơn vị thế chấp, sản xuất kinh doanh linh động và hiệu quả hơn; bổ sung đủ vốn điều lệ cho các công ty lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng đối với diện tích rừng được giao quản lý. Bên cạnh đó, có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các công ty TNHH MTV lâm nghiệp không có diện tích rừng sản xuất là rừng trồng để tạo điều kiện cho các đơn vị được sản xuất, kinh doanh trên diện tích rừng được giao quản lý; có cơ chế thông thoáng, thuận lợi, đặc biệt là tạo nguồn vốn đối ứng đảm bảo cho công ty lâm nghiệp vay vốn tín dụng ưu đãi thực hiện các phương án sản xuất lâm nghiệp của đơn vị. Đặc biệt là có chính sách ưu đãi về vốn hợp lý để công ty lâm nghiệp đầu tư định hình nhằm phát triển bền vững lâu dài; bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ công ích của các công ty lâm nghiệp theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng…
Ngoài ra, ngay tại buổi làm việc này, đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Đoàn công tác kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện tốt về cơ chế, về vốn để các công ty tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Đặc biệt, tạo điều kiện cho thuê rừng đặc dụng để phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng bởi việc trồng sâm dưới tán rừng sẽ góp phần vào công tác giữ rừng…
Nói về những khó khăn này, ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đề nghị: Để các công ty lâm nghiệp có thể làm tốt công tác bảo vệ rừng và người dân sống được từ rừng, cần có chính sách ưu tiên tạo nguồn vốn vay để trồng rừng. Việc có nguồn vốn sẽ giúp công ty liên kết với người dân trồng rừng, vừa làm tốt công tác bảo vệ rừng và còn thực hiện được mục tiêu sử dụng hiệu quả đất rừng, người dân được hưởng lợi từ rừng thì sẽ bảo vệ được rừng, gìn giữ môi trường rừng. Tiếp đến là cần tạo quyền hạn nhất định để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, vì hiện nay lực lượng bảo vệ rừng không được sử dụng công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Phúc Nguyên