Điểm bán hàng Việt: Tăng sức lan toả cho hàng Việt
Để góp phần đưa các mặt hàng Việt Nam có chất lượng đến tay người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Sở Công thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn xây dựng một số điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Bước đầu mô hình này đã cho thấy hiệu quả khi hình thành kênh phân phối hàng Việt uy tín và có tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng...
Để thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, xây dựng các kênh phân phối đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng; kiểm soát thị trường nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước...
Đặc biệt, từ năm 2015, khi tỉnh ta xây dựng Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015 – 2020, Sở Công thương và các ngành chức năng đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn như tổ chức phiên chợ hàng Việt, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn... Trong đó, việc xây dựng các điểm bán hàng Việt cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” được coi là một trong những điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng.
|
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 2 điểm bán hàng Việt. Điểm bán hàng Việt đầu tiên đặt tại Siêu thị - nhà sách Hoàng Vũ (huyện Kon Plông) được đưa vào khai thác từ tháng 10/2016 và tháng 10 năm nay, Sở Công thương tiếp tục triển khai điểm bán hàng Việt thứ hai đặt tại cửa hàng Comcome (số 309, Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum).
Việc xây dựng các điểm bán hàng Việt này là nhằm giúp người dân tiếp cận với hàng Việt Nam dễ dàng hơn, phong phú và đa dạng hơn; đồng thời qua đây cũng tạo kênh giới thiệu các mặt hàng đặc sản của tỉnh; góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất-phân phối- tiêu dùng.
Theo đánh giá của Sở Công thương, bước đầu điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã gây được ấn tượng tốt với người tiêu dùng. Tại các điểm bán hàng chỉ trưng bày và bán 100% các sản phẩm “made in Vietnam”, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm; trong đó ưu tiên các sản phẩm đặc thù của các địa phương như sâm dây, táo mèo, măng khô, chuối rừng...
Điều này sẽ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc mua sắm hàng hoá khi được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, có uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý.
Cùng với việc bán hàng, các đơn vị bán hàng cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao được nhận thức và ý thức của người dân trong tiêu dùng hàng Việt... Từ đó hình thành thói quen mua sắm, sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thêm cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Tâm (tổ 15, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho hay: Khi mua hàng hoá tại điểm bán hàng Việt chuyên biệt như thế này, người dân chúng tôi rất an tâm về chất lượng, nguồn gốc hàng hoá và còn thể hiện tinh thần yêu nước khi lựa chọn hàng hoá của nước mình sản xuất mà không phải đắn đo, lo lắng. Đồng thời, thông qua việc mua sắm tại đây, người dân sẽ có thêm kiến thức tiêu dùng, biết cách nhận biết, phân biệt hàng Việt chính hãng và hàng không chính hãng.
Đặc biệt, tại các điểm bán hàng Việt này, các mặt hàng đặc sản của tỉnh và của Kon Plông như măng khô, chuối rừng, sơn tra, mật ong rừng, sâm dây... được ưu tiên trưng bày ở vị trí thuận lợi nhằm quảng bá, giới thiệu cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) kể: Tôi thích nhất là mua được những mặt hàng đặc sản của địa phương như măng khô, chuối rừng, tiêu rừng, mật ong rừng. Tất cả các thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, công dụng, cách sử dụng đều đã được gắn trên sản phẩm rất rõ ràng nên người tiêu dùng không phải lăn tăn suy nghĩ, đắn đo cân nhắc vì sợ mua phải hàng trôi nổi.
Để các điểm bán hàng Việt thực sự là nơi cung ứng hàng Việt uy tín, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị bán hàng để thực hiện tốt khâu tìm nguồn hàng có chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng…
Đồng thời, Sở phối hợp với các địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh để tránh xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng để trục lợi, gây mất niềm tin trong nhân dân...
Có thể, việc xây dựng các điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” là hướng đi hợp lý với điều kiện thực tế của tỉnh để giúp người dân có nơi mua sắm hàng Việt tin cậy và góp phần xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng Việt uy tín.
Những thành công ban đầu này sẽ là tiền đề, động lực để khuyến khích các doanh nghiệp tích cực phối hợp, đồng hành với ngành Công thương trong việc nhân rộng mô hình tại các địa phương khác vì lợi ích thiết thực của người tiêu dùng và các nhà sản xuất Việt Nam.
Thiên Hương