Để có cơ sở phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự; không được triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.
Như chúng ta đã biết, cây mắc ca được mệnh danh nào là cây triệu đô, tỷ đô nhờ sản phẩm của nó có giá trị cao trên thị trường. Vì vậy, các nhà khoa học và doanh nghiệp có tâm huyết đã đưa cây mắc ca vào trồng thử nghiệm ở Việt Nam. Ở Kon Tum cũng đã có một số hộ dân và tổ chức trồng thử nghiệm cây mắc ca với diện tích khoảng 40ha.
Cây mắc ca trên đất Kon Tum
Một trong những người tiên phong trồng thử nghiệm cây mắc ca ở Kon Tum là ông Trần Xuân Vịnh ở thôn 10, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà. Hiện nay trong vườn nhà ông có 20 cây mắc ca 6 năm tuổi. Cây cao khoảng 4-5m, phân tán nhiều. Các cây đều cho quả từ khoảng 3 năm trở lại đây. Điều đáng nói là cây mắc ca ở vườn ông Vịnh một năm có hai mùa ra hoa: một đợt ra hoa vào tháng 7-8, hiện nay trái to, gần già; một đợt ra hoa vào tháng 1-2, hiện nay trái còn rất nhỏ. Cả hai đợt, cây đều ra hoa rất nhiều, nhưng tỷ lệ đậu quả rất ít. Cây đậu quả nhiều thì được vài chục chùm quả; ít thì vài chùm quả. Cây thuộc dòng giống nào, không ai rõ.
|
Ở huyện Ngọc Hồi, ông Ngô Tùng Khôi cũng trồng thử nghiệm một số cây mắc ca cách đây cũng khoảng 6-7 năm. Cây mắc ca ông trồng phát triển tốt, ra hoa nhiều, nhưng tỷ lệ đậu quả cũng rất ít.
Ở huyện Đăk Glei, cây mắc ca được trồng xen trong bờ lô cà phê một số hộ dân ở xã Đăk Choong cách đây khoảng 3 năm. Trong một lần đi công tác, tôi có đến xem một số cây mắc ca ở Đăk Choong, nhưng chưa thấy cây cho quả.
Tại huyện Kon Plông, cây mắc ca được một doanh nghiệp trồng tập trung khoảng 2 ha ở xã Măng Cành. Vườn cây mắc ca này 3 tuổi và đã cho quả.
Không để gây thiệt hại cho dân
Tại văn bản số 2749/NNN-TCLN ngày 6/4/2014 về việc phát triển cây mắc ca, Bộ NN&PTNT cho biết cây mắc ca ưa khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20oC đến 25oC với lượng mưa hàng năm từ 1.500-2.500mm; độ cao so với mặt nước biển từ 300-1.200m. Đất trồng cây mắc ca tốt nhất là ở dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu, ẩm. Trồng cây mắc ca ở những nơi bị gió mạnh, sương muối, mưa phùn vào thời điểm thụ phấn sẽ giảm khả năng đậu quả.
Kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm bước đầu cho thấy cây mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tại các vùng trồng khảo nghiệm, nhưng tỷ lệ đậu quả, sản lượng quả rất khác nhau.
Ở mô hình khảo nghiệm có quả thì sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 đạt từ 17,5-21,5 kg/cây (tương đương 3,9-4,7 tấn/ha/năm), thấp nhất đạt 9,4-12,4 kg/cây (tương đương 1,9-2,5 tấn/ha/năm); một số địa điểm cây không có quả.
Bộ NN&PTNT cũng đã công nhận 10 giống mắc ca, trong đó có 3 giống quốc gia là các dòng OC, 246 và 816; 7 giống tiến bộ kỹ thuật là các dòng Daddow, 842, 849, 741, 800, 900 và 695.
Cũng tại văn bản này, Bộ NN&PTNT cho rằng cây mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm cho kết quả còn khác nhau; mặt khác, cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường.
Do vậy, Bộ NN&PTNT khẳng định chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca; quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc…
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân trồng cây mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự; không được triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Chương- Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ông đã đi đến một số địa phương có trồng cây mắc ca ở huyện Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông.
Theo ông Chương, cây mắc ca tại vườn ông Trần Xuân Vịnh ở xã Đăk Hring tỷ lệ ra hoa nhiều, nhưng đậu quả thấp. Cây mắc ca trồng ở xã Măng Cành, tỷ lệ đậu quả có nhiều khả quan hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu đánh giá chính thức về việc phát triển cây mắc ca ở các địa phương trong tỉnh.
Từ những thông tin trên, yêu cầu đặt ra cho các ngành chuyên môn ở tỉnh là cần tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm sản xuất để có cơ sở quy hoạch và phát triển cây mắc ca ra diện rộng; đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống để tránh gây thiệt hại cho dân… Văn Nhiên