Để chính sách tín dụng cho người nghèo phát huy hiệu quả
Để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả, cần gắn việc cho người dân vay vốn với việc thực hiện các dự án, đề án, quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân.
Thực hiện chính sách tín dụng theo Chương trình số 37-Ctr/TU ngày 17/9/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII “Về tập trung xây dựng các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn” và các chính sách tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông tranh thủ sự chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tỉnh và cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác cho các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống.
|
Theo ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, thực hiện các chính sách tín dụng này, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền chính sách ưu đãi đến từng người dân và vận động vay vốn phát triển kinh tế để giảm nghèo, nâng cao đời sống; thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn.
Qua đánh giá hoạt động cho vay, tính đến cuối năm 2016, đối với nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo vay từ ngân sách tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 2 nghìn lượt hộ vay 11,81 tỷ đồng, chiếm 18,21% /tổng dư nợ cho hộ nghèo vay; tổng dư nợ được cấp bù lãi suất 1,55 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn địa phương ủy thác, dư nợ từ nguồn vốn ngân sách tỉnh 1,31 tỷ đồng cho 102 lượt hộ vay; dư nợ từ nguồn vốn ngân sách huyện 50 triệu đồng/hộ vay. Các nguồn vốn cho các hộ nghèo vay này tập trung vào chăn nuôi (trâu, bò, heo) và trồng trọt.
|
Đối với thực hiện theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tính đến cuối năm 2016, dư nợ các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 64,59 tỷ đồng với 2.765 lượt hộ vay còn dư nợ; nợ quá hạn còn 1,31 tỷ đồng, chiếm 2,04%/tổng dư nợ. Trong việc thực hiện chính sách tín dụng này, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đang thực hiện 13 chương trình chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Có thể kể như: Chương trình cho vay hộ nghèo với tổng dư nợ 29,07 tỷ đồng cho 1.779 hộ vay còn dư nợ; cho vay hộ nghèo về nhà ở tổng dư nợ 4,47 tỷ đồng cho 593 hộ vay còn dư nợ; cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề và xuất khẩu lao động với dư nợ trên 500 triệu đồng cho 34 khách hàng còn dư nợ; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn dư nợ 3,67 tỷ đồng cho 564 hộ vay còn dư nợ…
Có thể nói, thông qua các nguồn vốn tín dụng trên, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các tổ chức đoàn thể giúp người dân bám đất, bám làng, phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Theo số liệu thống kê, nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi, trên địa bàn huyện từ năm 2003-2012 có 1.080 hộ thoát nghèo; từ năm 2013-2016 giảm trên 1.300 hộ nghèo. Điều đó cho thấy chính sách tín dụng phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, số hộ nghèo vay đến kỳ trả nợ chưa có điều kiện trả nợ vẫn còn cao. Tính từ năm 2012-2015, Ngân hàng Chính sách xã hội khoanh nợ 1.482 hộ với số tiền 14,84 tỷ đồng; gia hạn nợ 742 hộ với số tiền 5,11 tỷ đồng. Nguyên nhân số hộ khoanh nợ, gia hạn nợ còn nhiều do trong quá trình sản xuất gặp thiên tai, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; hộ gia đình ốm đau, bệnh tật; việc sản xuất chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác khuyến nông, khuyến ngư để giúp đỡ người vay sản xuất hiệu quả; một số hộ trông chờ, ỷ lại… nên sử dụng vốn kém hiệu quả.
Từ các nguyên nhân trên và trước yêu cầu đặt ra cho công tác giảm nghèo, theo chúng tôi, để phát huy hiệu quả hơn nữa đồng vốn vay, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với các tổ chức đoàn thể gắn cho vay vốn với việc phát triển kinh tế theo quy hoạch; chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân; xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập, nhân ra diện rộng.
Văn Nhiên