HUYỆN SA THẦY:
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa
Trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung bò thịt ngày càng cao, giá trị của đàn bò được nâng lên, nông dân huyện Sa Thầy từng bước chú trọng đầu tư mở rộng đàn bò cả về số lượng và chất lượng...
|
Hiện nay, huyện Sa Thầy đang chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa và chăn nuôi bò được xem là một trong những lĩnh vực chủ đạo trong phát triển nông nghiệp ở địa phương, mở hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn…
Khai thác lợi thế, phát triển đàn bò
Là địa phương có lợi thế về đồng cỏ rộng lớn, khí hậu phù hợp, chăn nuôi bò lại là nghề truyền thống của người dân trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Sa Thầy xác định phát triển chăn nuôi bò là một trong những lĩnh vực chủ đạo trong phát triển nông nghiệp.
Trước đây, việc chăn nuôi bò của nông dân hầu như tự phát và chủ yếu là để lấy sức kéo; nhưng hiện nay, trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung bò thịt ngày càng cao, giá trị của đàn bò được nâng lên, người nông dân trên địa bàn từng bước chú trọng đầu tư mở rộng đàn bò cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, đàn bò của huyện được phát triển với hai giống bò chủ yếu là giống cũ của địa phương và giống bò lai.
Chị Tống Thị Nghĩa – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Với đồng bào DTTS và người dân ở những địa phương có diện tích đồng cỏ còn nhiều chủ yếu phát triển đàn bò giống cũ. Loại bò này tuy có vóc dáng nhỏ và giá trị kinh tế không cao lắm, nhưng lại có ưu điểm phù hợp với điều kiện chăn thả tự nhiên, ít phải chăm sóc, có thể nuôi với số lượng nhiều, lại phù hợp với tập quán chăn nuôi lâu đời của người dân… Chính vì vậy, số lượng đàn bò này đang chiếm đa số trong tổng đàn bò ở huyện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở nhiều vùng, đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp do việc phát triển mạnh diện tích cây công nghiệp và đặc biệt là kiến thức về chăn nuôi của người dân ngày càng nâng lên, nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa giống bò lai vào nuôi, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đàn bò lai được nuôi nhiều nhất ở các xã Sa Bình, Sa Nhơn, Sa Sơn…
Cùng với sự chủ động của người dân, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về giống, về khoa học kỹ thuật… cũng đã góp phần khuyến khích, thúc đẩy chăn nuôi bò ở địa phương phát triển. Hiện nay, tổng đàn bò trên địa bàn huyện khoảng 6.400 con, trong đó tập trung nhiều nhất là ở Sa Bình (khoảng 1.300 con), Mô Rai (khoảng 1.400 con) và thị trấn Sa Thầy (khoảng 850 con).
Mở hướng thoát nghèo cho nông dân
Anh Nguyễn Ngọc Truyền (thôn Bình Trung, xã Sa Bình) chia sẻ: Tôi gắn bó với nghề nuôi bò gần chục năm rồi, trong chuồng nhà tôi lúc nào cũng có 5- 6 con bò lai. Nuôi bò lai không mất công chăn thả, để có thức ăn cho đàn bò, tôi trồng 2 sào cỏ, mỗi ngày chịu khó đi cắt cỏ một lần, bỏ ra vài tiếng cho bò ăn, uống và dọn chuồng. Thời gian nuôi mỗi lứa bò khoảng 8 – 10 tháng, giá trị trung bình khoảng 40 – 45 triệu đồng/con khi xuất chuồng, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời 15 – 20 triệu (tuỳ thuộc vào giá bò trên thị trường), mỗi năm riêng đàn bò đã mang lại nguồn thu cả trăm triệu đồng cho gia đình tôi.
Bên cạnh đó, anh còn tận thu được một lượng phân lớn để bón cho cây trồng, giảm bớt chi phí đầu tư trong trồng trọt.
Không riêng gì nhà anh Truyền, ở thôn Bình Trung có khoảng 100 gia đình nuôi bò lai, nhà nhiều từ 6 – 7 con, nhà ít cũng 2 – 3 con. Hiện nay, nuôi bò mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Riêng với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy, phong trào nuôi bò xoá đói giảm nghèo đang là hướng đi được nhiều gia đình lựa chọn.
Tiêu biểu như nhà ông A Dẻo (làng Kram, xã Rờ Kơi), đàn bò của gia đình ông lúc nhiều có tới vài chục con, lúc ít cũng 5 – 6 con.
Ông A Dẻo cho biết: Ban đầu còn khó khăn nên mình chỉ mua được một con bò cái làm giống thôi, dần dần mình phát triển lên. Bê con sinh ra, mình đều để nuôi, đến khi nào có việc cần nhiều tiền mới bán, chẳng hạn như hồi làm nhà, mình bán hơn chục con cả bò lẫn bê một lúc được gần 200 triệu đồng; hay như khi mua xe máy, cho con đi học mình bán vài con là có đủ tiền. Hiện nay, nhà mình đang nuôi 5 con bò cái.
Có thể khẳng định, với việc phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hoá, không chỉ giúp người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy thoát nghèo, mà còn mở ra hướng làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển...
Thiên Hương