Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tự động: Kiểm soát chặt các nguồn xả thải
Thực hiện Quyết định 56/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút xây dựng hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc nước thải tự động; 23/24 chủ dự án, nhà máy trên địa bàn tỉnh cũng đã ký cam kết lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động. Đã đến lúc các nguồn xả thải sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn...
Tự động hóa giám sát nguồn xả
Theo Kế hoạch xây dựng hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc nước thải tự động liên tục trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định 56/QĐ-UBND), đến ngày 31/12/2017 Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các chủ dự án, nhà máy có phát sinh nước thải công nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất phải hoàn tất việc triển khai lắp đặt hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều khiến dư luận quan tâm là trước đây mấy tháng (tháng 5/2016), UBND tỉnh cũng đã ra “tối hậu thư” yêu cầu tất cả các dự án, nhà máy có phát sinh nước thải công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A (QCVN 40:2011/BTNMT) trong năm 2017, thay vì kéo dài đến năm 2020. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm.
|
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Việc xả thải của các nhà máy đang là vấn đề được dư luận quan tâm, bởi nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cao, một khi xảy ra ô nhiễm nguồn nước do xả thải sẽ rất khó giải quyết, không chỉ ở nơi có ô nhiễm bị ảnh hưởng mà sẽ tác động tới cả những khu vực hạ nguồn và để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sinh kế của người dân và các ngành kinh tế khác.
“Vì vậy, trong năm nay, chúng tôi quyết tâm xây dựng được hệ thống tiếp nhận và quản lý dữ liệu quan trắc nước thải công nghiệp của các trạm quan trắc tự động liên tục do doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường. Các dữ liệu này sẽ được tích hợp tự động vào hệ thống toàn ngành, góp phần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường cả nước” - ông Hạnh cho hay.
Hệ thống này có phần mềm và hạ tầng thiết bị đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu từ các trạm quan trắc nước thải tự động truyền về liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, được tự động tích hợp và lọc, xử lý, cập nhật thông tin quan trắc vào cơ sở dữ liệu của Sở. Trường hợp có sự cố về truyền nhận dữ liệu hoặc kết quả quan trắc vượt ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ cảnh báo bằng email đến bộ phận chức năng để xử lý.
Sau khi các trạm quan trắc nước thải tự động, cùng hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động đi vào hoạt động đồng bộ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác kiểm soát ô nhiễm nước thải tại các nhà máy nói riêng và công tác quản lý môi trường nói chung - ông Phạm Đức Hạnh khẳng định.
“Hết cửa” cho sự gian dối
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty Cồn và Tinh bột sắn Đăk Tô có trạm quan trắc nước thải tự động, nhưng cũng chưa thực hiện việc quan trắc nước thải tự động truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, khi triển khai, cũng có một số ý kiến băn khoăn của doanh nghiệp về thời gian, kinh phí và đặc biệt là về làm thế nào để có được một hệ thống đồng bộ, tiết kiệm mà hiệu quả.
Giải thích về những băn khoăn này, Giám đốc Phạm Đức Hạnh cho rằng việc hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động trước 31/12 không phải là khó, nếu doanh nghiệp và Nhà nước đồng thuận cao. Hơn nữa đây là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân.
Tuy nhiên, cũng cần phải có sự hướng dẫn thêm của ngành chức năng trong việc lựa chọn, lắp đặt các thiết bị giám sát thì mới hy vọng có sự đồng bộ được. Không thể để xảy ra tình trạng mỗi doanh nghiệp tự chọn lựa nhà thầu khác nhau với hệ thống thiết bị kỹ thuật khác nhau, dẫn đến việc kết nối dữ liệu với Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thiếu đồng bộ, trục trặc cả hệ thống gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát.
Ông Huỳnh Thúc Viên - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) nhìn nhận: Bên cạnh việc giúp cho quá trình kiểm soát chất lượng nguồn nước thải tại các dự án, nhà máy được diễn ra liên tục, tiết kiệm được thời gian, nhân lực trong việc thanh tra, kiểm tra; việc đầu tư, đưa vào sử dụng và vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động sẽ giúp cho quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải được thực hiện một cách liên tục. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ “hết cửa” cho những gian dối.
Theo ông Viên, trước đây, khi chưa có các trạm quan trắc nước thải tự động, việc kiểm soát chất lượng nước thải chỉ trông chờ vào 1-2 lần kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất, do đó, tính chính xác, liên tục bị hạn chế; mặt khác, rất khó “bắt tận tay” những hành vi gian lận, xả thải chưa đạt chuẩn ra môi trường nhằm tiết kiệm chi phí...
Khi các trạm quan trắc tự động đi vào hoạt động và liên tục truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường thì bất kỳ sự thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường đều được kiểm soát chặt chẽ qua các thông số. Từ những kết quả quan trắc, cơ quan chức năng có thể phát hiện nhanh chóng sự cố về ô nhiễm môi trường cũng như xác định nguyên nhân, mức độ của sự cố và kịp thời đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp.
Tất nhiên, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sử dụng nhiều biện pháp giám sát để chống các hành động đối phó, cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi gian lận, cố tình xả thải ra môi trường. Điều quan trọng hơn là quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ đủ sức tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các tiến bộ về thiết bị khoa học công nghệ, quy chuẩn kỹ thuật để hướng dẫn doanh nghiệp tự lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và kết nối về trạm điều hành trung tâm của Sở - ông Huỳnh Thúc Viên khẳng định.
Thành Hưng