Đầu năm về với xã Xốp
Những ngày đầu xuân mới, chúng tôi về xã Xốp, huyện Đăk Glei để được tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của vùng căn cứ cách mạng. Sắc xuân nơi xã Xốp hiện ra với màu trắng của hoa cà phê, sắc tím của hoa dại nổi bật trên những sườn núi, và đặc biệt hơn là trang phục sắc màu của những thiếu nữ Giẻ Triêng.
Xã Xốp có 7 thôn, 487 hộ, 1.800 khẩu, trong đó có 457 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 1.735 khẩu. Từ năm 2000 trở về trước, tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên khiến đời sống đại bộ phận người dân còn nghèo.
Những năm qua, nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vật chất, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cũng như đời sống văn hoá xã hội nơi đây có nhiều chuyển biến, mức sống người dân được nâng lên rõ rệt, không còn hộ bị thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để thấy được rõ hơn sự đổi mới, chúng tôi đến thôn Tân Đum, nơi có 100% số hộ ĐBDTTS sinh sống. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, Tân Đum đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Cơ cấu cây trồng, mùa vụ có sự chuyển đổi tích cực, chăn nuôi được thực hiện theo hướng tập trung, có chuồng trại xa nhà. Cùng với thâm canh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa nước hai vụ, người dân thôn Tân Đum còn khai thác thế mạnh đồi rừng bằng việc phát triển cây trồng chủ lực là cà phê và một số cây lâm nghiệp khác, làm tốt công tác bảo vệ rừng.
|
Nhờ đó, mức thu nhập của người dân trong thôn đều tăng so với trước, 100% số hộ trong thôn có phương tiện nghe nhìn và xe máy đi lại, những ngôi nhà sàn khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa từng bước được quan tâm, các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan dần dần bị loại bỏ. Người dân trong thôn sống đoàn kết, cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, từ Chương trình 135, năm 2017 vừa qua, cầu treo Tân Đum được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, giúp cho người dân nơi đây có thêm cơ hội thay đổi cuộc sống và thoát khỏi đói nghèo.
Đến xã Xốp vào những ngày xuân, bỗng thấy lòng người ấm áp lạ kỳ. Thay vì ăn tết vào thời điểm kết thúc mùa vụ như trước kia, giờ đây người Giẻ Triêng nơi đây cũng đã hoà cùng Tết cổ truyền của đất nước, họ thường tổ chức lễ hội với những trò chơi mang đậm màu sắc của dân tộc mình.
Trong cái se lạnh của một ngày đầu năm mới Mậu Tuất, tôi đã loanh quanh hàng giờ đồng hồ để ngắm nhìn vẻ đẹp của những bông hoa cà phê đang nở trắng xóa, cùng với màu xanh của bầu trời, xanh của núi rừng đã tạo nên sắc xuân rất riêng nơi mảnh đất đầy nắng gió này.
Mạnh Thắng