Đầu năm rộn rã chuyện làm ăn
Sau những ngày đón tết vui vẻ, an toàn và tiết kiệm, vào những ngày này, đi đến đâu cũng bắt gặp không khí lao động hăng say, khẩn trương của bà con nông dân. Bước qua năm mới, ai cũng có những dự định làm ăn mới....
Trên cánh đồng lúa của thôn Kon Jơ Drẻ Plơng (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum), đã chiều muộn mà vẫn còn khá nhiều người lúi húi chăm sóc lúa vụ đông xuân. Trong số những người muộn nhất ấy có Bí thư chi bộ thôn A Hal.
Cẩn thận đắp kín miệng cống lấy nước từ kênh dẫn vào ruộng, A Hal kể: Cả trong mấy ngày tết, bà con vẫn thường xuyên ra đồng thăm lúa nhằm phát hiện sâu bệnh kịp thời.
Năm nay bà con mình ăn tết vui hơn vì trong năm có 2/3 tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa sạch đẹp, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa, bụi mù vào mùa khô nữa; bà con vận chuyển lúa, mỳ, bắp về nhà cũng thuận tiện, dễ dàng. Ngay buổi họp thôn đầu tiên sau tết, mọi người đã quyết tâm sẽ chung sức hoàn thành nốt việc bê tông hóa tuyến đường còn lại dài 150 m trong năm nay- A Hal phấn khởi khoe.
Theo Bí thư A Hal, thôn Kon Jơ Drẻ Plơng có 96 hộ (313 khẩu), gần 100% là người dân tộc Ba Na theo đạo. Hầu hết các hộ gia đình sống bằng nghề nông, trồng lúa nước là chính, ngoài ra còn trồng thêm bắp, mỳ; chỉ có 8 hộ gia đình trồng cao su với 8ha.
|
Bà con mình cũng tin rằng, việc ra đồng sản xuất ngay trong những ngày đầu năm mang ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu vì mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, sinh sôi. Vì vậy, từ ngày mùng 4 tết bắt đầu làm cỏ, bón phân cho lúa theo đúng thời vụ- A Hal cho biết.
Cũng với tinh thần ấy, không khí lao động sản xuất ở xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) đã rộn ràng ngay từ sau tết. Và trong những ngày này, người dân ở tất cả thôn, làng trên địa bàn xã vẫn đang hăng say nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, tu bổ các đập bổi, đập tạm để đảm bảo nguồn tưới tiêu cho cây trồng vụ đông xuân.
Có mặt tại cánh đồng thôn Đăk Lợi, chúng tôi hoà mình vào không khí lao động hăng say của bà con. Theo anh Trần Bá Hòa- cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới của xã Đăk Ngọk, bà con đang ra quân nạo vét lại các tuyến kênh mương nội đồng để đảm bảo nước tưới cho diện tích rau màu vụ đông. Gia đình nào cũng huy động tối đa nhân lực tham gia và chính bà con thấy được rằng, việc tu sửa, xây dựng kênh mương nội đồng rất quan trọng, không chỉ để tưới tiêu cho cây trồng mà còn là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã...
Xã Đăk Ngọk là một trong số địa phương có diện tích cây vụ đông lớn của huyện Đăk Hà. Theo nhẩm tính của anh Hòa, toàn xã bây giờ đã có hơn 80ha cây vụ đông, không chỉ đem lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương của xã là tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo nguồn lực xây dựng thành công nông thôn mới.
Anh Hòa tiết lộ rằng chỉ riêng trong vụ rau tết, nhiều hộ gia đình đã “trúng” vì mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa nước 1 vụ sang trồng rau vụ đông. Thương lái tới tận ruộng thu mua với giá cao, như khoai lang tím có giá 10.000 đồng/kg; cà chua 13.000 đồng/kg; đậu côve 17.000 đồng/kg, ớt 10.000 đồng/kg; cà pháo 10.000 đồng/kg... Vì vậy, đến ngày 3 tết, bà con đã lục tục ra đồng để chuẩn bị đất trồng lứa rau mới.
Một chị phụ nữ đang chăm sóc ruộng khoai lang tím bên cạnh góp chuyện: Vụ đông năm ngoái, gia đình tôi “trúng” khoai lang tím, do thuận lợi về nước tưới, khoai lang phát triển tốt, lại bán được giá. Nên năm nay, tôi tính mở rộng thêm diện tích. Ngay mùng 4 tết, mọi người trong gia đình đã được huy động ra đồng làm đất rồi. Khoai lang tím là loại cây khá dễ trồng, lại cho hiệu quả kinh tế khá cao, việc phòng trừ sâu bệnh cũng khá đơn giản…
Rời huyện Đăk Hà, chúng tôi rong ruổi theo đường Hồ Chí Minh, tiện đâu ghé đầy, cốt là để nghe, để vui với không khí tất bật làm ăn đầu năm của bà con nông dân. Nắng xuân dát vàng trên các sườn đồi. Dù không đi được hết, nghe được hết, nhưng tôi tin rằng, khắp nơi, bà con đều mong ước và tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước.
Mải chuyện mà chúng tôi lên đến tận xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi lúc nào không hay. Sực nhớ trước tết, A An- Bí thư chi bộ thôn Nông Nội (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) có dặn dò ra Giêng lên chơi, chúng tôi ghé vào thăm, đúng lúc A An đang bận tối mặt tối mày bởi có nhiều việc phải làm trong những ngày đầu năm. Đã nhiều năm nay, bà con thôn Nông Nội luôn hăng hái ra quân sản xuất trong những ngày đầu năm với mong muốn mưa thuận gió hoà, nông sản làm ra được mùa, được giá.
Nói không ngoa, thôn Nông Nội giống như một thôn kiểu mẫu với hạ tầng nông thôn khỏi chê. Toàn thôn có 220 hộ (736 khẩu) nhưng chỉ còn 7 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 18 triệu đồng. Theo Bí thư A An, “nền tảng” để Nông Nội phát triển chính là 560ha cây trồng các loại, gồm hơn 300ha cao su, hơn 100ha bời lời, 22ha lúa nước 2 vụ, hơn 120ha đất rẫy...
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan con đường làng mới được trải bê tông phẳng phiu, A An vừa kể: Năm nay, thời gian gần tết, cao su, cà phê đều được giá nên bà con có tiền mua sắm, chuẩn bị tết nhất chu đáo. Nhưng cũng không vì thế mà ham vui quên chuyện làm ăn đâu nhé, có gia đình tưới cà phê, dọn thực bì chống cháy cho cao su từ ngày 4 tết đấy.
Chuẩn bị rời Nông Nội thì anh Võ Văn Vinh ở Tổng đội Thanh niên xung phong gọi điện rủ lên Làng thanh niên lập nghiệp Mô Rai tham gia ra quân đầu năm nhưng đành phải khất, dù rất tiếc.
Mà không chỉ tiếc vì bỏ lỡ chuyến đi đầu năm lên biên giới ấy đâu, tôi còn tiếc không có sức mà đi, mà nghe, mà vui với không khí làm ăn đầu năm của bà con nông dân ở các ngả Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy nữa kìa.
Hồng Lam