Dấu ấn người lính trên đồng đất Đăk Hà
Ngày 16/3/1975 tỉnh Kon Tum được giải phóng. Suốt 43 năm qua Đảng bộ, chính quyền, quân và dân địa phương không ngừng nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Trong sự phát triển của Kon Tum hôm nay có sự đóng góp trí tuệ, công sức và cả mồ hôi xương máu của những người lính mà cách đây 43 năm họ vừa bước ra từ bom đạn chiến tranh.
Cách thành phố Kon Tum khoảng 20km theo hướng tây bắc, huyện Đăk Hà là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kon Tum. Tại địa phương này, nhờ hơn 8.400ha cà phê, hàng nghìn héc ta cao su, lúa nước… được thâm canh tốt, người dân địa phương có thu nhập và cuộc sống cao hơn hẳn so với các huyện khác của tỉnh Kon Tum.
Đưa chúng tôi đi thăm những “bờ xôi, ruộng mật” của Đăk Hà trong những ngày tháng 3, ông Hồ Duy Lành, 68 tuổi, nguyên Thượng úy, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 701 (Đoàn 331, Quân khu 5) bồi hồi: Sau ngày giải phóng Kon Tum, đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ vùng giải phóng và phát triển kinh tế, với mục tiêu cấp thiết là đảm bảo lương thực tại chỗ cho 3 trung đoàn cùng hàng vạn người dân địa phương.
|
Để có 5ha đất đầu tiên sản xuất lúa nước ở khu vực cống ba lỗ, chợ huyện Đăk Hà và khu vực trụ sở UBND thị trấn Đăk Hà ngày nay, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 701 không chỉ phải đổ mồ hôi, công sức mà còn cả máu và tính mạng để dọn dẹp bom mìn sót lại sau chiến tranh.
“Nhiệm vụ đầu tiên và nguy hiểm lúc đó là rà phá bom mìn. Phương pháp rà phá cực kỳ thủ công. Những người lính dùng máy ủi DT75 treo cờ chạy trên những khu vực được xác định rà phá. Xác định cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ là có hy sinh nên đơn vị tổ chức làm lễ truy điệu trước. Trong quá trình rà phá, máy ủi DT75 bị dính ba lần mìn và ba máy DT75 bị hỏng hết, nhiều người lính công binh đã hy sinh” - ông Hồ Duy Lành ngậm ngùi.
Sau những hy sinh mất mát ngay trong thời bình, đồng đất Đăk Hà đã không phụ công những người lính quả cảm trên mặt trận phát triển kinh tế. Đột phá đầu tiên là những cánh đồng lúa nước điển hình của cả khu vực Tây Nguyên với năng suất đạt tới 5-7 tấn/ha; rồi giống heo móng cái thuần chủng; cá trắm, cá mè nuôi trong đập Mùa Xuân - công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên ngày ấy và cũng được xây dựng bởi mồ hôi công sức những người lính.
Ông Hoàng Trung Quý, 69 tuổi, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 731, Giám đốc Nông trường cà phê Đăk Uy 1 nhớ lại: Người lính chúng tôi trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Tất cả những thành quả đó là do người lính, những con người bằng xương, bằng thịt, biết yêu, ghét, biết đam mê, biết buồn và đau khổ để mà vươn lên từ lòng đất quê hương Đăk Hà. Công sức của người lính bỏ ra là mồ hôi, là nước mắt thậm chí kể cả xương máu.
Vào năm 1982 cũng chính những người lính trong đội hình các trung đoàn 734, 731, 704 năm xưa đã tạo ra bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp của Đăk Hà khi 42ha cà phê đầu tiên được trồng trên đồng đất địa phương. Diện tích này nhanh chóng được mở rộng sau khi những người lính trở thành công nhân các nông trường: Đăk Uy 1, Đăk Uy 2, Đăk Uy 3, Đăk Uy 4, Nông trường 701 và Công ty Thủy nông Đăk Uy do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
Đến nay, Đăk Hà đã trở thành vùng trồng cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum với trên 8.400ha. Không chỉ có vậy, năng suất trung bình của cà phê Đăk Hà đạt trên 3 tấn nhân/ha thuộc hàng cao nhất so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra nhiều diện tích còn được sản xuất, chế biến theo đúng chuẩn quốc tế đã nâng cao thương hiệu và giá trị cho cà phê Đăk Hà.
Cũng chính từ tiền đề mà những người lính bước ra từ chiến tranh gây dựng đã góp phần quan trọng để năm 2012 Đăk Hà có Hà Mòn, xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Đăk Hà cũng là huyện đầu tiên trong khu vực được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Tự hào về sự phát triển của quê hương Đăk Hà, ông Trần Đình Vân, 68 tuổi một người lính cũng từng là lãnh đạo một nông trường cà phê năm xưa cho biết: Nhìn lại quá khứ và hiện tại trên mảnh đất này thấy một sự thay đổi kỳ diệu. Thay đổi trước hết là cả về nếp nghĩ, cách làm. Ngày xưa đồng bào dân tộc chỉ phát, đốt, chọc, tỉa. Chúng tôi đem cây lúa nước, đem cây cà phê là thay đổi một phương thức sản xuất. Những gì mà những người lính đã làm cho Đăk Hà đã được nhân dân ghi nhận và khẳng định. Mong muốn nhất là phải vượt qua chính mình.
Ông Vũ Văn Duân - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Đăk Hà chia sẻ: Trong hơn 2.700 hội viên Hội Cựu Chiến binh huyện Đăk Hà có khoảng một nửa là những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 43 năm qua thế hệ người lính Cụ Hồ năm xưa đã có đóng góp quan trọng về sức lực, kinh nghiệm, trí tuệ và tâm huyết của mình để xây dựng quê hương Đăk Hà. Các cựu chiến binh thực sự là lực lượng chính trị, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương.
43 năm sau ngày Kon Tum giải phóng, những người lính bước ra từ đạn bom năm xưa và đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu xây dựng nên vùng đất Đăk Hà trù phú hôm nay hiện đã tuổi cao sức yếu. Thế nhưng họ vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp tâm huyết và trí tuệ của mình với mong muốn cháy bỏng, là xây dựng quê hương, đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Khoa Điềm