Đất không phụ công người
Từ những mảnh đất khô cằn, những người nông dân “tay lấm, chân bùn” hàng ngày cày cuốc, chăm bẵm, “biến” những mảnh đất hoang này trở nên màu mỡ, phì nhiêu, đơm hoa kết trái, tạo nhiều quả ngọt, nâng cao giá trị của đất, giúp họ trở thành những “tỷ phú nông dân chân đất”.
Chúng tôi đến thăm trang trại rộng 14ha của ông Nguyễn Mai Anh, một lão nông 70 tuổi ở thôn Lộc Nông, xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi). Theo lời kể của ông Nguyễn Mai Anh, năm 1996, gia đình ông rời quê hương Đại Lộc (Quảng Nam) lên đây lập nghiệp. Khi đó, đất hoang còn nhiều, ông xin phép chính quyền sở tại khai hoang nhiều mảnh đất hoang sơ, khô cằn, đầy sỏi đá mà người dân địa phương chẳng ai muốn làm để gầy dựng sự nghiệp làm kinh tế nông nghiệp trên vùng đất mới.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại”, hàng ngày, hai vợ chồng ông “dãi nắng, dầm mưa, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chăm chỉ, cần mẫn cuốc từng miếng đất, cắt từng bó tranh, phát dọn cây cỏ, nhặt từng viên đá, biến mảnh đất cằn cỗi trở nên màu mỡ. Cây lúa, bắp, đậu, mì được ông chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ ngày càng trở lên tươi tốt, cho năng suất cao. Qua mấy năm chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, tích luỹ được ít vốn, ông mượn thêm của bạn bè, người thân, vay ngân hàng để đầu tư trồng thêm cà phê. Từ 1-2ha ban đầu, ông mở rộng diện tích cây cà phê lên 10ha, bình quân mỗi năm, gia đình ông có thu nhập từ 1-2 tỷ đồng.
Sau một thời gian thu hoạch, nhận thấy cây cà phê đã già cỗi, năm 2000, ông Mai Anh quyết định phá bỏ dần vườn cây cà phê, trồng xen cây sầu riêng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên cây sầu riêng phát triển chưa tốt, bị sâu bệnh, quả rụng khá nhiều.
Không nản lòng, ông mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng trên báo chí; dành nhiều thời gian đi qua các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, vào tận các tỉnh miền Tây Nam bộ để học hỏi kinh nghiệm. Qua tìm hiểu, ông biết rằng việc trồng xen canh 2 loại cây này là không phù hợp, vì bón phân và tưới nước khác nhau. Cây sầu riêng cần độ ẩm vừa phải, nhiều nước quá cũng không được; trong khi đó, cây cà phê cần độ ẩm cao, nước nhiều hơn để cây phát triển, ra hoa, đơm hạt.
Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm, hàng năm ông phá bỏ một phần diện tích cây cà phê để trồng chuyên canh từ 300-400 cây sầu riêng. Ông đầu tư hệ thống phun tưới nước nhỏ giọt tự động gần 2 tỷ đồng để chủ động trong việc tưới tiêu; kể cả hệ thống thoát nước phòng ngừa khi mưa nhiều, nước ứ đọng làm cho cây sầu riêng chậm phát triển. Cứ thế, trong vài năm, ông phát triển diện tích sầu riêng lên 11ha.
Năm 2017, ông Mai Anh dành 3ha trong trang trại để đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo; xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy trình khép kín để không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Một năm nuôi từ 2-3 lứa, mỗi lứa nuôi từ 3.000-4.000 con, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
|
Sản phẩm nông nghiệp của ông Mai Anh được sản xuất theo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên được tiêu thụ khá mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Vườn cây sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu; chăn nuôi heo theo quy chuẩn sạch, an toàn, phục vụ thị trường tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa.
Từ vườn cây sầu riêng và chăn nuôi heo, năm 2024, ông Mai Anh có tổng thu nhập trên 5 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, thu lãi hơn 2,5 tỷ đồng. Ông là một trong những “nông dân chân đất” giàu có ở địa phương này, được mọi người kính trọng.
Chia sẻ về hành trình làm giàu của ông Nguyễn Mai Anh, ông Xiêng Lăng Khánh- Chủ tịch UBND xã Đăk Nông cho hay: Đây đúng là một “lão nông thứ thiệt”, cần cù, chịu khó, chăm làm, có kiến thức, kinh nghiệm trong công việc làm kinh tế. Việc làm giàu của ông đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định.
Giống như ông Mai Anh, ông Trần Khắc Lượng (58 tuổi), là người Nghệ An, vào Lâm Đồng sinh sống từ năm 1994. Nhưng sau nhiều lần qua Măng Đen (huyện Kon Plông) khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu, ông nhận thấy vùng đất này có cơ hội phát triển, đặc biệt là làm kinh tế trang trại và dịch vụ ăn uống.
Vì vậy, năm 2013, ông Lượng quyết định bán tài sản ở Lâm Đồng hơn 1 tỷ đồng sang Măng Đen mua 6ha đất đồi núi trọc để làm kinh tế. Năm 2014, ông vay ngân hàng 200 triệu đồng đầu tư trồng 4ha cà phê, 2ha trồng các loại cây ăn quả như bơ, mít, chanh, cam, ổi, xoài, nhãn, vải thiều, mận, hồng xiêm.
Năm 2018, ông tiếp tục vay thêm 800 triệu đồng để đào 3 ao nuôi cá, kết hợp trữ nước để tưới tiêu cho cây trồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư mở quán ăn “Gà nướng Cô Sinh” cho vợ ông bán để kiếm thêm thu nhập. Trong rẫy, ông đầu nuôi hàng trăm con gà thả vườn để phục vụ cho quán ăn.
Nhờ biết tính toán làm ăn, chi tiêu hợp lý, gia đình ông có thu nhập bình quân từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, thu lãi 1 tỷ đồng. Đến nay, gia đình ông đã trả xong nợ vay của ngân hàng, xây dựng nhà ở khang trang ở trung tâm thị trấn Măng Đen.
Ông Đặng Ngọc Hiệp- Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen đánh giá, ông Trần Khắc Lượng là một nông dân siêng năng, chăm chỉ, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo nhiều việc làm ổn định cho người dân. Ngoài ra, ông Lượng còn đóng góp cho địa phương bằng những việc làm cụ thể như ủng hộ các quỹ xã hội từ thiện, tham gia xây dựng đô thị văn minh.
|
Xuất thân từ quân ngũ (Trung đoàn 734, Sư đoàn 331, Quân khu 5), chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, trong đó tham gia giải phóng thị xã Kon Tum tháng 3-1975, được công nhận thương binh 1/4, ông Hàn Thanh Tâm (Tổ dân phố 2A, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cũng là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Ông Tâm chia sẻ, sau khi đất nước thống nhất, năm 1978, ông làm công nhân Nông trường Cà phê Đăk Uy 2 (Đoàn kinh tế Quốc phòng 331); tham gia cùng đơn vị rà phá bom mìn, khai phá đất đai để trồng cà phê, cao su, góp phần hình thành nên những vùng đất cà phê trù phú tại huyện Đăk Hà hiện nay. Khi công việc ổn định, ông trở về quê Quỳnh Lưu, Nghệ An đưa cả gia đình vào đây sinh sống, lập nghiệp trên vùng đất mới.
Ông Tâm là người nông dân chăm làm, gầy dựng sự nghiệp từ mồ hôi, nước mắt và công sức lao động của cả cuộc đời. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng trông ông rất khoẻ mạnh, minh mẫn, hàng ngày vẫn chăm sóc vườn cà phê 3 ha nhận khoán của Công ty cà phê 731 và 5ha cà phê của gia đình. Ngoài ra, ông còn canh tác 1,3ha trồng các loại cây ăn quả, khoai lang, nuôi cá.
Mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng, thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ông đã xây dựng được ngôi nhà ở khang trang trị giá gần 2 tỷ đồng. Nhờ làm kinh tế giỏi, cuộc sống đủ đầy, khấm khá nên vợ chồng ông có điều kiện nuôi con cái trưởng thành, trong đó có 4 con tốt nghiệp đại học, đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.
Bà Nguyễn Thị Bình- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Hà cho biết, ông Hàn Thanh Tâm là một người giàu nghị lực, có ý chí kiên cường trong việc làm kinh tế; xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; nuôi dạy các con ăn học đàng hoàng, trở thành những công dân có ích cho xã hội, có nhiều đóng góp cho khu dân cư nơi ông đang sống.
Cao Cường