Đăk Năng - Gọi đất sinh sôi những mùa vàng
Chúng tôi về xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum) vào một ngày đầu xuân, không khí nơi đây sực nức mùi thơm của cỏ, của bắp. Hai bên vệ đường, thi thoảng bắt gặp những vườn cà phê ngan ngát hương hoa. Trên cánh đồng trắng xoá màu đất được phơi ải, chen lẫn là những thửa ruộng chanh dây, nhấp nhô bóng người tưới nước, thu hoạch quả. Không gian rộn ràng tươi vui, lòng người phơi phới.
Đăk Năng thành lập được 8 năm (tách từ xã Ia Chim), với 78% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nhiều năm nay, xã Đăk Năng là địa phương phát triển mạnh về cây cao su. Đến nay, xã có 1.020ha cao su, trong đó cao su quốc doanh 204ha; cao su tiểu điền 815,92ha, đã khai thác 480,35ha. Ngoài ra, xã còn có 140,14ha cà phê, 52,7ha bời lời… Thực hiện theo Đề án của tỉnh, UBND xã đã triển khai chuyển đổi cây trồng từ diện tích lúa 1 vụ 85ha bị hạn hán sang trồng mỳ.
Đi qua nhiều ngã rẽ trên các con đường bê tông thênh thang, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ dân trong xã đã sắm được nhiều máy cày, máy kéo. Nhờ có cơ giới hoá, công việc đồng áng ở xã Đăk Năng nhàn hơn nhiều. Kinh tế khấm khá, đời sống bà con nơi đây được nâng lên nên địa phương cũng có nhiều thuận lợi hơn trong triển khai xây dựng nông thôn mới.
Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Đăk Năng đã đạt 15/19 tiêu chí. Hầu hết các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Đăk Năng đã đạt đều được đánh giá bền vững. Điều phấn khởi nhất là đến năm 2015, Đăk Năng đã đạt tiêu chí về hộ nghèo theo quy định của bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; hiện tỉ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 6,2% (theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều).
Theo ông Phan Thi - Bí thư Đảng uỷ xã, khó khăn của Đăk Năng là hiện nay thu nhập của bà con tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp nên kéo theo thu nhập bình quân đầu người cả xã cũng mới chỉ đạt 20 triệu đồng/năm (quy định 27 triệu đồng/người/năm); tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới chỉ đạt 47%; tỉ lệ ki lô mét đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn mới chỉ đạt 26,26% (theo quy định đạt 70%). Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng đã có giải pháp để cuối năm 2017 đạt 4 tiêu chí còn lại. Trong đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã quyết tâm chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, ngoài các cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, theo kế hoạch, Đăk Năng sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê, bời lời; phát triển mô hình trồng chanh dây…
|
Ông A Hyư (làng Jơ Drợp) cho biết: bà con làng mình đang phá bỏ nhiều cây trồng kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng cây chanh dây. Cây chanh dây hợp với đồng đất làng này, nên phát triển tốt, cho nhiều quả. Không theo mùa, cây chanh dây cho quả liên tục, mỗi héc ta thu hoạch có thể đạt 300 triệu đồng/năm. Có điều mức đầu tư ban đầu lớn mỗi sào từ 10 đến 12 triệu đồng, nên chỉ mới có một số hộ đầu tư. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ người dân một cách hợp lý, để người dân mạnh dạn đầu tư.
Xã Đăk Năng còn 4 tiêu chí về nông thôn mới chưa đạt là trường học, giao thông, y tế và thu nhập. Vì vậy, để về đích trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền xã đang nỗ lực trong thực hiện chuyển đổi sản xuất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho dân, để vùng đất bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly bị bỏ hoang ngày nào, trở thành vùng “đất vàng” đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Một khi thu nhập của người dân được nâng cao, người dân sẽ có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
Dương Lê