Đăk Hà: Nông dân khốn đốn vì trồng bắp không hạt
Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vụ đông xuân vừa qua, vợ chồng anh Vũ Văn Huynh và chị Nguyễn Thị Bích ở tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) đã chuyển đổi ruộng lúa sang trồng bắp. Sau hơn 3 tháng xuống giống bắp lai 989, vợ chồng người nông dân này không ngờ mình lại rơi vào cảnh khốn khó, vì bắp cho trái rất to nhưng không có hạt hoặc rất ít hạt.
Chị Bích dẫn chúng tôi ra thăm 6 sào bắp lai giống 989 (nguồn giống của Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam có trụ sở tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) của gia đình chị trồng, nay đã đến kỳ thu hoạch nhưng bị bỏ khô, vì bắp không có hạt hoặc rất ít hạt. Tôi nhìn bàn tay chai sần của chị Bích bẻ những trái bắp khô giòn xuống, bóc từng lớp vỏ ra mà thấy xót xa, bởi đa số đều không có hạt hoặc có hạt nhưng rất ít.
|
Chị Bích cho biết, đây là phần diện tích đất ruộng gia đình chị nhận khoán của Công ty cà phê 734 (doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn); cũng là vụ đầu tiên, gia đình chị thử nghiệm chuyển đổi phần diện trồng lúa có khả năng bị hạn sang trồng hoa màu để đảm bảo thu nhập ổn định, nhưng mọi việc lại không như ý muốn ban đầu.
Chị Bích thừa nhận, những năm trước đây, chân ruộng này luôn bị thiếu nước nên năng suất không cao. Thế nhưng, sau khi chuyển đổi sang trồng bắp, nguồn nước đảm bảo hơn, thêm vào đó, năm vừa qua thời tiết cũng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nên cây bắp phát triển rất tốt.
Để trồng 6 sào bắp lai, vợ chồng chị Bích đầu tư ban đầu cả chục triệu đồng mua giống bắp, phân bón (2 đợt), mua dầu máy nổ phục vụ tưới tiêu (4 đợt)…
Nhìn ruộng bắp xanh tốt, vợ chồng chị Bích hy vọng qua Tết Nguyên đán 2018 sẽ có một vụ mùa bội thu.
Thế nhưng, niềm vui vừa nhen nhúm thì nỗi buồn lại ập đến khi vợ chồng chị phát hiện bắp cho trái nhưng không cho hạt hoặc có hạt nhưng rất ít.
Lo sợ thất thu, chị Bích đã đến cửa hàng bán hạt giống bắp cho gia đình mình (nằm trên địa bàn huyện) để hỏi thăm và mong muốn được tư vấn. Tại đây, chị Bích nhận được câu trả lời kiểu phán đoán “có thể do thời tiết hoặc do chân ruộng thiếu nước tưới” và tư vấn chị nên gọi điện về công ty sản xuất hạt giống ghi trên bao bì hỏi sẽ rõ hơn.
“Dù có giữ lại bao bì hạt giống nhưng nghĩ chắc cũng không giải quyết được gì nên vợ chồng tôi quyết định không “đôi co” làm gì nữa” - chị Bích bộc bạch.
Chặt phá thì thấy tiếc nên từ đầu vụ thu hoạch đến nay, hàng ngày, chị Bích vẫn lại ra ruộng bắp để dò tìm những trái bắp cho ít hạt thu gom về làm thức ăn cho gà.
Ngắm nhìn ruộng bắp kế bên trồng giống bắp lai VN 10 cho trái to và chắc hạt đã đến kỳ thu hoạch, rồi nhìn lại ruộng bắp của gia đình mình bỏ khô, chị Bích buồn rười rượi: Vụ đông xuân trước đây, diện tích này chỉ trồng lúa. Đến vụ thu hoạch cũng thu được gần 4 tấn/6 sào; sau khi nộp sản cho Công ty, đóng bảo hiểm và trừ chi phí cũng đảm bảo được cái ăn cho gia đình. Năm nay, thất thu thế này, gia đình tôi thật khốn đốn.
|
Chia sẻ với nỗi buồn của vợ chồng chị Bích, chị Hồ Thị Thanh Loan (tổ 7, thị trấn Đăk Hà) cho biết: việc chọn giống cây trồng của nhà nông bây giờ chỉ biết trông chờ vào may rủi. Đa số giống cây trồng do các cửa hàng cung ứng giống trên địa bàn huyện cung cấp, đều có bao bì và nhãn mác hẳn hoi nhưng không hiểu sao sau khi mua về gieo trồng thì có năm được, năm không. Như gia đình tôi chuyển đổi 4 mùa vụ trồng lúa sang trồng bắp (giống bắp lai 989 và VN 10), nhưng chỉ có 1 vụ là có thu hoạch (đó là lần nhờ người quen mua hạt giống ở Đà Lạt về), 1 vụ đang gieo trồng chưa đến kỳ thu hoạch, còn lại đều gặp phải tình trạng bắp không có hạt, hoặc có hạt nhưng rất ít, chỉ thu về được 5 tạ/3 sào (trung bình thu về khoảng 1,3 tấn/3 sào) - chị Loan kể.
“Mặc dù trồng bắp nhiều may-rủi nhưng tôi cũng không thể chuyển đổi sang trồng các loại đậu xanh, đậu đen, đậu phộng…, vì những loại cây trồng này tốn rất nhiều công thu hái (do việc thu hái không đại trà), còn trồng lúa thì lại thiếu nhiều nước nên cũng “đánh liều” theo mùa vụ” - chị Loan chia sẻ.
Câu chuyện bắp không hạt lâu nay đã có nhiều nhà nông gặp phải. Theo các nhà nghiên cứu nông nghiệp, bắp không hạt có nhiều nguyên nhân, có thể do chất lượng nguồn giống không đảm bảo hoặc do thời tiết, chất đất, kỹ thuật trồng trọt... Và dù lý do nào đi chăng nữa thì chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là người nông dân. Vì vậy, thiết nghĩ, bên cạnh trách nhiệm nhà nông là phải nghiên cứu kỹ lưỡng chất đất trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có kỹ thuật canh tác phù hợp, thì vấn đề kiểm soát nguồn giống cây trồng trên địa bàn cũng cần được quản lý tốt hơn, tránh thiệt hại về kinh tế cho nông dân.
Bài, ảnh: Tú Quyên