Đăk Hà: Nhiều giải pháp phòng chống hạn cho cây trồng
Để hoạt động sản xuất của vụ đông xuân này được thuận lợi, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra, huyện Đăk Hà đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng chống hạn cho cây trồng. Nhờ vậy, đến thời điểm này, công tác phòng chống hạn của huyện đang đạt được những kết quả khả quan.
Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà, tổng diện tích cây trồng vụ đông xuân trên địa bàn huyện là 10.137,12ha; trong đó diện tích lúa nước ước tính 1.602ha, diện tích cây cà phê 8.481,36ha, diện tích cây rau đậu các loại chuyển đổi trên đất lúa 89,76ha.
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp huyện, có 337,6ha cây trồng có nhiều khả năng bị hạn. Tuy nhiên, nhờ tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng chống hạn nên hiện chưa có diện tích cây trồng nào trên địa bàn huyện bị khô hạn.
|
Ông Nguyễn Văn Thảo – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, huyện đã chủ động nguồn nước tưới ngay từ đầu vụ, huy động nhân dân sửa chữa những công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, nạo vét, tu bổ lại hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, huyện đã vận động người dân chuyển đổi những diện tích lúa ở các chân ruộng nhiều khả năng xảy ra thiếu nước vào mùa khô sang trồng một số loại cây rau đậu ngắn ngày và có khả năng chịu hạn như bắp, khoai lang, rau xanh... Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm né hạn ngay từ đầu, không chỉ giúp nông dân tránh được thiệt hại trong gieo trồng mà còn góp phần đảm bảo thu nhập cho người dân.
Điển hình như ở xã Đăk Ngọk, cánh đồng thôn Đăk Bình và Đăk Lộc có diện tích tới hơn 20ha thường hay xảy ra thiếu nước vào cuối mùa khô. Những năm trước, người dân chủ yếu vẫn gieo trồng lúa nước nên vào thời điểm này thường rất vất vả với việc canh, lấy nước, vậy mà nhiều khi vẫn bị mất trắng do hạn hán. Năm nay, hầu hết các hộ dân đã chuyển sang trồng cây rau màu. Những ruộng đậu côve, khoai lang, cà, bắp... xanh rì ngay giữa mùa khô giúp nông dân giải toả lo lắng về việc tưới và vẫn đảm bảo thu nhập của vụ đông xuân này.
Riêng với cây lúa - một trong những cây trồng chính của huyện và là loại cây trồng luôn cần nhiều nước, dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, huyện Đăk Hà rất chú trọng đến việc phòng chống hạn.
Theo đó, ngay từ đầu vụ, Phòng NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương vận động người dân bố trí cơ cấu giống, thời điểm xuống giống cho từng khu vực một cách hợp lý để hạn chế thấp nhất những tác động của hạn hán.
Đồng thời, các địa phương tích cực đôn đốc người dân thăm nom đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện những diện tích lúa có khả năng thiếu nước, nhất là những khu vực cuối nguồn, những diện tích nhỏ lẻ ven suối để có sự điều tiết, bổ sung kịp thời không để gián đoạn quá trình sinh trưởng và phát triển.
Với những diện tích lúa nhận nước trực tiếp từ các hồ chứa, kênh mương, cán bộ thuỷ nông chăm lo, điều tiết, phân phối nước một cách hợp lý, tiết kiệm đảm bảo không để xảy ra tình trạng đầu nguồn thì tràn lan mà cuối nguồn thì không có nước.
Để sử dụng và tận dụng tối đa nguồn nước nhằm đảm bảo cho các loại cây phát triển ổn định, cũng theo ông Nguyễn Văn Thảo đối với cây công nghiệp dài ngày, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung hướng dẫn nhân dân xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm; đối với cây lúa, cây rau màu thì thực hiện tưới luân phiên. Phòng phối hợp với Ban Quản lý và Khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh chủ động điều tiết nước hợp lý, hướng dẫn nhân dân tủ ẩm cho cây trồng để tránh hạn. Nếu trong trường hợp xảy ra hạn cao điểm thì huyện sẽ tuyên truyền, vận động người dân giảm diện tích nuôi trồng thuỷ sản, bỏ điều tiết nước tưới một số vùng chuyên canh lúa, huy động máy bơm dã chiến ưu tiên tưới nước cho cây cà phê...
Từ nay đến cuối vụ vẫn đang là thời gian cao điểm của mùa khô, 337,6ha cây trồng của Đăk Hà vẫn đứng trước nguy cơ bị hạn hán. Để thực hiện tốt việc chống hạn cho cây trồng đạt hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện Đăk Hà đã chủ động cắt cử cán bộ các ngành chuyên môn bám cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện tốt các nhóm giải pháp bổ sung nguồn nước, điều tiết lịch cấp nước kịp thời góp phần giảm bớt phần nào sức ép nước tưới cho cây trồng, nhất là những diện tích đang đối mặt với khô hạn trong mùa khô hạn gay gắt, có nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng...
Thiên Hương