Đăk Hà: Mỗi xã một sản phẩm đặc trưng
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Hà chỉ đạo mỗi xã trên địa bàn huyện xây dựng ít nhất một sản phẩm đặc trưng trên cơ sở phát huy điều kiện và tiềm năng sẵn có của từng địa phương…
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Có thâm niên 15 năm làm nghề nuôi ong mật, mới đây, anh Ngô Quốc Thanh ở thôn 1, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) vô cùng phấn khởi khi được chính quyền địa phương thông tin sản phẩm mật ong nuôi của gia đình anh và một số hộ dân khác trên địa bàn được chọn là sản phẩm đặc trưng của xã.
Điều anh Thanh mừng nhất đó là từ đây, mật ong nuôi của gia đình mình sẽ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và có nhiều cơ hội giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn trên thị trường.
Năm 1995, anh Thanh từ Thanh Hóa vào xã Đăk Mar mua đất trồng cà phê. Thời điểm này giá cà phê bấp bênh, nhiều người đến mượn vườn cà phê của gia đình anh để nuôi ong lấy mật. Được thưởng thức mật ong nuôi từ vườn cà phê rất thơm ngon, anh Thanh nảy ra ý định xuống Xí nghiệp Ong mật Gia Lai để học nghề.
|
Sau 1 năm miệt mài học tập, anh Thanh về đầu tư nuôi 50 đàn ong thử nghiệm. Mật ong nuôi ở vườn cà phê lấy được đến đâu anh Thanh mang ra giới thiệu ngoài thị trường có người mua hết đến đó.
Nhận thấy nhu cầu thị trường dồi dào, anh Thanh bắt đầu nghiên cứu và mở rộng quy mô nuôi ong ở nhiều nơi trong tỉnh (theo mùa), rồi đến ngoài tỉnh với số lượng lên đến 250 đàn.
Hết mùa cà phê, anh Thanh lại khuân vác đồ nghề di chuyển sang các vườn cao su; rồi lại ra tận các tỉnh miền Bắc để lấy mật vải (Hải Dương), mật nhãn (Hưng Yên)… Có năm được mùa, anh Thanh thu được 15 tấn mật ong nuôi các loại, còn mất mùa cũng được trung bình từ 10-12 tấn.
Theo Phó Chủ tịch xã Đăk Mar - Nguyễn Thị Thanh Thùa, việc chọn mật ong nuôi là sản phẩm đặc trưng của địa phương là có lý do, bởi hiện Đăk Mar có diện tích vườn cây khá lớn có thể tận dụng nuôi ong mật với 1.600ha cà phê và gần 200ha cao su.
Thực hiện chủ trương của huyện Đăk Hà về xây dựng sản phẩm đặc trưng ở các xã, thị trấn, đến nay, 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lựa chọn và đăng ký các sản phẩm đặc trưng. Mới đây (ngày 18/10/2017), xã Đăk Psi đã tổ chức ra mắt sản phẩm đặc trưng “Măng le Đăk Psi” và là xã đầu tiên hiện thực hóa chủ trương của huyện.
Chủ tịch xã Đăk Psi Nguyễn Phúc Đoan cho biết, măng le là sản vật từ rừng được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng cho vùng đất nơi đây. Hàng năm, vào những ngày đầu mùa mưa, người dân xã Đăk Psi lại rủ nhau vào rừng bẻ măng về chế biến món ăn và bán cho các hộ dân trong vùng để làm măng khô bán ra thị trường. Cũng từ đó, sản phẩm măng le của địa phương được nhiều người biết đến với vị thơm, giòn, ngọt, màu sắc vàng tươi không lẫn vào đâu được.
Việc chọn măng le làm sản phẩm đặc trưng sẽ giúp cho các hộ dân trên địa bàn tận thu được nguồn lâm sản phụ hết sức dồi dào được thiên nhiên ưu đãi, góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Ước tính, vào mỗi mùa măng, người dân ở Đăk Psi khai thác bình quân khoảng 400 tấn măng tươi, giúp mỗi hộ dân trong vùng tăng thêm thu nhập từ 5-6 triệu đồng/mùa. Với mức giá măng khô bán ra thị trường từ 150.000-200.000 đồng/kg, trung bình một hộ sản xuất măng khô thủ công có thể kiếm thêm thu nhập cả trăm triệu đồng.
|
Anh A Xoa ở làng Kon Pao Kram (xã Đăk Psi) phấn khởi: Gia đình chỉ có vài sào lúa và héc ta mì nên cuộc sống rất khó khăn. May nhờ vùng đất này có nhiều cây măng le mọc tự nhiên trong rừng nên mỗi mùa măng đến gia đình anh cũng có thêm thu nhập từ 5-6 triệu đồng.
Anh Đỗ Văn Thái chủ một cơ sở sản xuất măng le khô ở làng Kon Pao Kram cho biết, tính bình quân, một mùa măng, cơ sở sản xuất măng của gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 8 tạ măng khô (16 tấn măng tươi). Với mức giá trung bình từ 150.000-200.000 đồng/kg, mỗi năm, thu nhập từ nghề làm măng khô của gia đình dao động từ 120-160 triệu đồng.
Thúc đẩy sản xuất vùng nông thôn
Anh Ngô Quốc Thanh chia sẻ, mặc dù hiện tại sản phẩm mật ong nuôi của gia đình anh làm ra được người tiêu dùng đánh giá cao và được các xí nghiệp ong mật ở nhiều tỉnh thành như Gia Lai, Hải Dương, Hưng Yên, Lâm Đồng hợp đồng thu mua… nhưng về lâu về dài khó đoán định được thị trường, nhất trong là thời buổi cạnh tranh như hiện nay. Vì vậy, việc lựa chọn xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng nông thôn, tránh tình trạng làm ra sản phẩm ồ ạt, gây sức ép về giá cả, thiệt thòi cho nông dân.
Để làm được điều này, ngoài việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đòi hỏi các hộ sản xuất sản phẩm cũng phải cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm; tuân thủ cách thức khai thác, quản lý nguồn tài nguyên rừng, tránh tình trạng khai thác bừa bãi làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất nguồn nguyên liệu.
Chủ tịch xã Đăk Psi Nguyễn Phúc Đoan cho biết, để bảo tồn được nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho việc xây dựng sản phẩm măng le khô trên địa bàn, hàng năm, địa phương sẽ lên kế hoạch quản lý tốt nguồn nguyên liệu với phương châm xuất ra khỏi địa bàn phải là măng le khô và kết hợp với việc người dân trên địa bàn tận thu măng le (tức là lâm sản phụ) với việc quản lý, bảo vệ rừng đối với phần diện tích rừng đã giao khoán cho các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, địa phương vận động các hộ dân thành lập tổ hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua mô hình tổ hợp tác sẽ giúp các hộ dân có thể vay vốn ưu đãi đầu tư các trang thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để tránh tình trạng tư thương ép giá, xã cũng đã làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn xây dựng chuỗi liên kết tạo đầu ra sản phẩm…
Không chỉ măng le Đăk Psi, hiện một số địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng được liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho các sản phẩm đặc trưng như gạo Đăk La, nấm ăn và nấm dược liệu Đăk Hring…
Chia sẻ về chủ trương mới của huyện, Bí thư Huyện ủy Đăk Hà - A Vượng cho rằng: Đăk Hà là vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, rất thích hợp để phát triển nông nghiệp, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Ngoài cà phê, Đăk Hà còn có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp như gạo Đăk La, măng le Đăk Psi, mật ong nuôi Đăk Mar, cam sành Ngọc Wang, nấm ăn và nấm dược liệu Đăk Hring… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ còn nhỏ, hẹp; sản phẩm chủ yếu xuất thô, mẫu mã bao bì đơn giản, giá cả bấp bênh. Chủ trương xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm đặc trưng là cách giúp các địa phương khai thác tiềm năng và thế mạnh, thúc đẩy sản xuất vùng nông thôn phát triển, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời giúp từng địa phương xây dựng hình ảnh để gắn kết với phát triển du lịch, dịch vụ, tiếp sức cho nông thôn mới phát triển.
Tú Quyên