Đăk Hà: “4 nhà” bắt tay làm nông nghiệp
Xây dựng chuỗi liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp nhằm gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững là hướng đi đang được huyện Đăk Hà triển khai sâu rộng. Việc “4 nhà” cùng bắt tay làm nông nghiệp đã giúp Đăk Hà từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển.
Những thành công bước đầu
Theo đánh giá của UBND huyện Đăk Hà, trước đây, hạn chế lớn nhất của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là đất đai manh mún, nông dân làm nhỏ lẻ, tự phát, theo phong trào… từ đó dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khó khăn.
Do đó, việc liên kết các khâu, chuỗi để đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, hình thành vùng chuyên canh có quy mô, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp là điều mà huyện luôn trăn trở. Từ năm 2012, huyện Đăk Hà đã đề ra nhiều giải pháp và đẩy mạnh việc xây dựng mối liên kết "4 nhà" gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.
|
Ông Đoàn Ngọc Thắng – Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Trong chuỗi liên kết 4 nhà, huyện Đăk Hà luôn xác định phương châm lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò làm chủ của người dân “dân biết, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ”; các cấp, các ngành đồng hành hỗ trợ về cơ chế, giống, vật tư, kỹ thuật; kêu gọi nhà đầu tư cùng nông dân làm nông nghiệp... Từ đó, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của mối liên kết “4 nhà” được nâng lên. Nông dân trên địa bàn huyện, nhất là đồng bào DTTS đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; chú trọng đến việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ để tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Với nhiều chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh, chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Với sự liên kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, mô hình liên kết ”4 nhà” trên địa bàn huyện Đăk Hà đã đạt nhiều kết quả cao. Các sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, mì, lúa, cá nước ngọt ngày càng được nâng cao về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Tiêu biểu như cây cà phê – cây trồng chủ lực của huyện, diện tích không ngừng được mở rộng, sản lượng tăng cao rõ rệt. Nếu như năm 2005 diện tích cây cà phê toàn huyện là 6.993ha, đến năm 2017, con số này đã tăng lên 8.495,76ha; năng suất cũng tăng từ 18,26 tạ nhân khô/ha lên 31,86 tạ nhân khô/ha. Tương tự là cây cao su, năm 2008, tổng diện tích cao su toàn huyện là 4.320,6ha, đến nay đã tăng lên 7.200,1ha. Bên cạnh đó, trong sản xuất lúa, 80% diện tích lúa ruộng được người dân sử dụng các giống lúa lai, nhờ vậy mà năng suất lúa đã tăng từ 35,65 tạ/ha vào năm 2005 lên 48,94 tạ/ha ở thời điểm hiện tại...
Với số lượng dồi dào, chất lượng được nâng cao, các sản phẩm nông nghiệp của Đăk Hà đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là sản phẩm cà phê. Trong vài năm gần đây, sản phẩm cà phê chế biến của một số doanh nghiệp như Cà phê Đăk Hà (Công ty XNK cà phê Đăk Hà), Cà phê bột DakMark (Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng), Cà phê đặc biệt Sáu Nhung (HTX Nông nghiệp sản xuất thương mại Sáu Nhung) đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. Gần đây, nhiều loại cá nước ngọt của huyện Đăk Hà còn được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua để đưa sang thị trường Châu Âu...
Phát huy hiệu quả liên kết ”4 nhà”
Hành trình xây dựng mối liên kết “4 nhà” ở Đăk Hà những năm vừa qua đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng gắn bó hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn…Đây là tiền đề để huyện tiếp tục xây dựng mối liên kết ngày càng chặt chẽ hơn làm “đòn bẩy” thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
|
Ông Đoàn Ngọc Thắng khẳng định: Trước hết, huyện chú trọng tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về yêu cầu, mục tiêu của mối liên kết "4 nhà". Đồng thời, huyện sẽ tập trung huy động, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án, nguồn lực địa phương, nguồn vốn của doanh nghiệp, nguồn lực trong dân...để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục xây dựng các mối liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, mục tiêu trước mắt được huyện Đăk Hà đặt ra là sản xuất thử nghiệm nhiều loại giống mới có năng suất, chất lượng cao; vận động nông dân đưa giống mới vào sản xuất, phấn đấu đạt trên 90% diện tích sử dụng các giống lúa lai. Các cấp, các ngành vận động doanh nghiệp thực hiện tốt công tác thu mua, bao tiêu sản phẩm cá nước ngọt cho nông dân để khai thác và phát huy có hiệu quả diện tích mặt nước, thúc đẩy nghề nuôi cá nước ngọt của huyện phát triển ổn định, bền vững.
Huyện cũng tăng cường kêu gọi, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su; vận động tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Đăk Hà”, cam và sầu riêng Ngọc Wang.
Đặc biệt, huyện Đăk Hà tiếp tục chú trọng xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”. Trong đó, khâu đầu tiên là vận động người dân chăm sóc và khai thác có hiệu quả diện tích cà phê trên địa bàn; phát triển các tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch theo công nghệ 4C, UTZ, RSA. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường kêu gọi, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê ướt với dây chuyền thiết bị hiện đại, thu hút đầu tư chế biến sản phẩm tinh chế đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các cấp, các ngành của huyện phối hợp cùng với các ngành chức năng tích cực giới thiệu quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp cà phê ra thị trường nước ngoài để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của huyện là cây cà phê thực sự là cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Liên kết “4 nhà” là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và huyện Đăk Hà đã và đang thành công với chuỗi liên kết này. Việc liên kết giúp nông dân có điều kiện để đưa tiến bộ kỹ thuật vào thúc đẩy sản xuất; doanh nghiệp và nông dân có cơ hội hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập, cho người người dân.
Thuỳ Hương