Đăk Glei: Nhận diện bất cập trong việc giao đất, giao rừng
Để đất rừng thực sự có chủ, những năm qua, huyện Đăk Glei triển khai việc đất giao, giao rừng cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng sống gần rừng. Ở diện tích được giao, tài nguyên rừng được quản lý bảo vệ tốt hơn, nhưng vẫn còn những bất cập cần được giải quyết.
Theo ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, để bảo đảm các yêu cầu, huyện thành lập Ban chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, lập và phê duyệt phương án giao đất, giao rừng trên địa bàn. Thông qua việc triển khai các biện pháp này, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện giao 2.851,13ha rừng cho 18 cộng đồng thôn (thuộc các xã Đăk Man, Đăk Choong, Xốp, Đăk Long, Đăk Kroong và Đăk Pét), 2.976,7ha rừng cho 247 hộ gia đình (thuộc xã Đăk Pét, Đăk Kroong, Ngọc Linh, Mường Hoong và thị trấn Đăk Glei) quản lý bảo vệ.
Với việc giao đất, giao rừng, các ngành và các cấp chính quyền địa phương giúp người dân, cộng đồng nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng và giúp họ có thêm một nguồn thu nhập từ việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng. Ở diện tích rừng được giao, tài nguyên rừng được quản lý bảo vệ tốt hơn trước.
|
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập. Theo ông Lộc, tại Điều 7, Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ “về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp” thì các đối tượng này được trồng xen các cây nông nghiệp, cây dược liệu, chăn thả gia súc và khai thác các lợi ích khác của rừng phù hợp với quy chế quản lý sản xuất; được tận dụng sản phẩm trong quá trình thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo quy trình, quy phạm hiện hành; được khai thác lâm sản để giải quyết nhu cầu gia dụng… Song, các điều khoản về quyền lợi của các hộ được giao đất giao rừng chưa phù hợp với thực tế, hầu hết các hộ gia đình được giao rừng không thể thực hiện các quyền lợi vì chưa có quy định đầy đủ của pháp luật như: chưa xác định thời điểm khai thác chính thức cho từng kiểu rừng và từng trạng thái rừng, nên các hộ không biết thời gian bao lâu từ lúc nhận rừng thì được khai thác và hưởng lợi sản phẩm khai thác. Việc tận dụng diện tích đất trống từ rừng để sản xuất, lấy ngắn nuôi dài còn lúng túng vì thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích rừng và đất rừng được giao.
Nhận diện những bất cập, UBND huyện Đăk Glei đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để vận động các hộ gia đình trả lại giao cho cộng đồng quản lý để mọi người trong cộng đồng cùng được hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, UBND huyện cũng đề nghị tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, chỉnh sửa, bổ sung các điều khoản về quyền lợi của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao đất, giao rừng đảm bảo phù hợp với thực tế.
Văn Nhiên