Cột bơm xăng tự động: Thông minh, nhưng... chưa thông suốt
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) xuất hiện một số cột bơm xăng tự động được các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đưa vào khai thác với mục đích nâng cao độ an toàn, tin cậy trong việc bán nhỏ lẻ xăng phục vụ nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa.
Các cột bán xăng tự động cả người bán và người mua ủng hộ vì được tiếp cận công nghệ hiện đại, tiện ích; thế nhưng, những cột xăng này đã bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng hoạt động vì không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định của Nhà nước.
Người dân hào hứng
Tại xã Sa Loong, khoảng vài tháng nay, có 3 hộ dân là hộ ông Lò Ngọc Dũng, Đoàn Viết Hưng (thôn Đăk Vang) và Đoàn Khắc Nguyên (thôn Giang Lố) đã tự trang bị cột bơm xăng tự động để phục vụ nhu cầu mua xăng nhỏ lẻ của người dân trong xã.
|
Chúng tôi tìm đến các gia đình này để tìm hiểu cụ thể về hình thức bán xăng khá mới mẻ và thiết bị mà nhiều người dân gọi là “cột bơm thông minh”. Những cột bơm xăng nhỏ gọn được trang bị một bình chứa xăng 200 lít bên trong, hệ thống máy nhận tiền tự động, đồng hồ báo đơn giá, báo lượng xăng còn trong cột, số lượng xăng khi khách hàng đưa tiền vào máy, hệ thống chống trộm, chống cháy.
Theo đó, khi khách hàng đến trụ bơm xăng, chỉ cần cho tiền polyme vào máy là có thể đổ xăng theo nhu cầu, số tiền tối thiểu 10.000 đồng và tối đa 200.000 đồng, trên bảng điện tử sẽ hiện ra số lượng xăng tương ứng; sau đó, người mua đưa vòi bơm vào bình chứa xăng trên phương tiện của mình và nhấn nút là xăng tự động đổ.
Do điện vận hành trụ xăng chỉ 12V nên thời gian đổ xăng chậm hơn so với những cây xăng thông thường nhưng lại cho khách hàng cảm giác khá an toàn. Vì các cột bơm xăng tự động khá hiện đại và tiện ích nên khi xuất hiện đã thu hút đông người dân đến đổ, cả người bán và người mua đều tỏ ra hài lòng về cách thức bán hàng này.
Ông Lò Ngọc Dũng cho biết: Lâu nay, tôi vẫn bán xăng cho người dân bằng cách đong vào can, chai, nhưng tôi thấy kiểu bán đó không an toàn vì chỉ cần khách hàng sơ sẩy để tàn thuốc hay bật hộp quẹt mà để lửa tạt vào nơi để xăng thì hậu quả khôn lường. Thế nên, khi thấy trên internet quảng cáo bán cột bơm xăng tự động này vừa an toàn cho người bán và tiện lợi cho người mua tôi đã đi vay tiền ngân hàng đặt mua thiết bị này của Công ty TNHH TD Việt Thái ở tận Hà Nội với giá 49 triệu đồng. Tôi trang bị thêm tủ đựng, làm mái che cũng mất cả chục triệu đồng. Từ ngày có cột bơm này, tôi cũng nhàn hơn vì mọi thao tác đều được máy thực hiện, xong xuôi máy sẽ tự ngắt.
A Tùng (thôn Giang Lố) thì chia sẻ: Mình chỉ cần bỏ vào máy 10.000 – 20.000 đồng rồi nhấn nút là nó tự đổ, không phải chờ đợi người bán, cũng không phải đắn đo, cân nhắc sợ bị đong thiếu như cách đổ bằng can. Theo mình so sánh, đổ xăng ở cột tự động này thích hơn vì giá cả cũng như bán lẻ, nhưng được niêm yết rõ ràng, số lượng xăng đảm bảo hơn hẳn so với đổ bằng can hay bình bơm mini và vui nhất là cảm giác được tự đổ, giám sát được lượng xăng mình mua.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, sản phẩm này được nhập khẩu từ Thái Lan, với thiết kế nhỏ gọn, không tốn diện tích mặt bằng, dễ dàng di chuyển; cách sử dụng đơn giản, cột bán xăng tự động có thể phù hợp với điểm kinh doanh nhỏ, phục vụ xe máy, xe động cơ nhỏ ở nông thôn.
Mỗi buổi sáng, các hộ kinh doanh này dậy sớm ra cửa hàng xăng dầu mua xăng đổ vào can chở về và đổ vào bình chứa của cột xăng tự động để bán lại cho người dân. Thực chất đây là thiết bị thay thế các loại can, chai, cột bơm tay mini nhưng cách bán hàng thì khá hiện đại. Những người bán thì vui vì không phải cứ mở cửa hàng mới bán được xăng và thiết bị an toàn hơn các dụng cụ đựng xăng thô sơ. Người mua cũng thích thú vì tiện lợi và thấy rõ sự minh bạch khi mua xăng tại các cột tự động.
Cơ quan chức năng lúng túng
Mặc dù các cột bơm xăng tự động khá tiện lợi, được người bán và người mua ưa thích và được coi như là cách bán hàng thông minh, nhưng hình thức kinh doanh này đang bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” bởi lý do trái với quy định kinh doanh xăng dầu của Nhà nước.
Tại Công văn 962/SCT – QLTM (ngày 16/8/2016), Sở Công thương đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các địa phương kiểm tra và bắt buộc các hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động chậm nhất đến ngày 30/9. Sau đó, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các hộ cam kết phải dừng mọi hoạt động kinh doanh và hướng dẫn người dân đến Sở Công thương để được tư vấn về các thủ tục cho phép kinh doanh.
Thế nhưng, sau khi tới Sở Công thương, những hộ dân này vẫn nhận được câu trả lời là phải dừng kinh doanh, khi nào các cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được bán. Theo giải thích của đại diện Sở Công thương, Nghị định 83/2014/NĐ – CP (ngày 03/9/2014) của Chính phủ quy định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, Nhà nước hiện tại mới chỉ cấp phép cho hệ thống cửa hàng nằm trong quy hoạch của các doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu. Chính vì vậy, các hộ kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ sử dụng cột bơm xăng tự động hay bình bơm tay, can chai đều nằm ngoài luồng và không được phép hoạt động, nếu vi phạm sẽ bị xử lý, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng không thể giải quyết.
Vẫn biết, những kiểu bán xăng nhỏ lẻ dù tồn tại dưới hình thức nào (can, chai, hay cột xăng tự động) đều là sai quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nhưng khách quan nhìn nhận, thực tế ở Kon Tum, việc kinh doanh này lại đang đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 53 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhưng lại tập trung chủ yếu ở địa bàn thuận lợi, dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân. Thậm chí, ở một số địa phương như Kon Plông, Ia H’Drai, mỗi huyện mới chỉ có 1 cửa hàng, huyện Tu Mơ Rông chưa có cửa hàng nào; có những nơi người dân phải đi 70 – 80km mới đến được cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong hệ thống.
Vậy nếu không có những cửa hàng bán xăng nhỏ lẻ thì các gia đình sẽ buộc phải dự trữ xăng dầu để phục vụ nhu cầu của mỗi hộ. Khi đó, nếu hộ nào cũng tích trữ xăng thì mức độ nguy hiểm, mất an toàn còn tăng lên gấp bội. Ngay như tại địa bàn xã Sa Loong người dân muốn đổ được xăng tại cửa hàng xăng dầu cũng phải đi tới hơn chục cây số, nên các cột bơm tự động là giải pháp thực sự hữu hiệu.
Anh Đinh Khắc Nguyên (thôn Giang Lố) giãi bày: Chúng tôi là người dân làm ăn nhỏ lẻ giờ có tiền để mở một cửa hàng xăng theo đúng tiêu chuẩn, cố gắng vay mượn mới mua được cột xăng tự động; bình quân mỗi ngày bán được vài chục lít xăng, lời lãi khoảng 2.000 đồng/lít, chưa kể hao hụt, tính ra phải mất 2 năm mới lấy lại vốn. Nhưng tôi nghĩ cố gắng làm sao để đảm bảo an toàn cho mình trước rồi phục vụ được người dân tốt nhất trong khả năng cho phép và kiếm thêm chút thu nhập thôi. Tôi cũng tin tưởng, các doanh nghiệp khi nhập khẩu và bán sản phẩm này ra thị trường chắc phải được các cơ quan cho phép lưu hành, sử dụng nên mua về, nhưng bây giờ mới vỡ lẽ là thiết bị thì được bán nhưng người dùng thì bị cấm. Thôi thì, giờ tôi cũng đành phải quay lại bán bằng can, chai như trước, mặc dù có trái với quy định nhưng người dân có nhu cầu, mình không bán, người khác cũng bán.
Có thể thấy, trong điều kiện hệ thống xăng dầu của tỉnh chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì việc tồn tại những hình thức bán xăng nhỏ lẻ là điều dễ hiểu bởi có cầu thì có cung. Vì thế, thiết nghĩ các cơ quan chức năng quản lý trong lĩnh vực này nên có biện pháp kiểm tra, kiểm định sản phẩm; quản lý linh hoạt, phù hợp, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như hộ kinh doanh khi đưa thiết bị kỹ thuật mới vào sử dụng.
Thuỳ Hương