Cơ hội phát triển cây nghệ
Ngoài giá củ nghệ trong những năm gần đây ổn định, có lợi cho người trồng, Kon Tum còn có đề tài xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số giống nghệ tại tỉnh (dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2016) do Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) chủ trì. Cây nghệ đang có cơ hội mở ra hướng đi ở địa phương.
Ở nước ta dường như nơi nào trên đất liền cũng trồng được cây nghệ. Cây nghệ từ xưa đã được ông cha dùng làm dược liệu và thực phẩm.
Ở Kon Tum, cây nghệ cũng được trồng ở nhiều địa phương, cả giống nghệ vàng lẫn nghệ đen.
Mấy năm gần đây khi giá nghệ trên thị trường tăng lên, nhiều hộ dân phát triển mạnh cây nghệ (curcumalonga) tại tỉnh. Đặc biệt, Quyết định 187/QĐ-UBND ngày 2/3/2016 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục đề tài xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số giống nghệ tại tỉnh (dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2016) với nguồn kinh phí đầu tư trên 700 tỷ đồng do Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) chủ trì.
Mục tiêu của đề tài phát triển cây nghệ thành cây dược liệu tại tỉnh trên cơ sở phát triển giống nghệ có năng suất và hàm lượng curcumin cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất có điều kiện phù hợp.
|
Theo tiến sĩ Dương Ngọc Tú - Viện Hóa học, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài xác định cụ thể khả năng thích nghi của giống nghệ; phân tích, đánh giá hàm lượng curcumin tại vùng trồng thử nghiệm; xây dựng tài liệu kỹ thuật trồng cây nghệ trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2016, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng, tiến hành lấy các mẫu đất bãi bồi, đất vườn, đất đồi tại các xã Kroong, Vinh Quang, Đăk Cấm (thành phố Kon Tum), Làng thanh niên lập nghiệp Ia H’Drai (huyện Ia H’Drai). Các kết quả phân tích cho thấy, mẫu đất bồi tại xã Kroong là phù hợp nhất để trồng nghệ.
Kết quả trồng thử nghiệm 1.000m2 các mẫu nghệ VH (Viện Hóa học) và giống nghệ bản địa trên hai loại đất khác nhau tại ba địa điểm gồm xã Kroong (đất đồi), xã Vinh Quang (đất vườn) và Làng thanh niên lập nghiệp Ia H’Drai (đất đồi) cho thấy, các giống nghệ trồng thử nghiệm đều thích nghi tốt với điều kiện tại tỉnh. Hàm lượng curcumin trong mẫu nghệ bản địa trồng tháng thứ 10 là 3%, trong khi giống nghệ Viện Hóa học là 2,8%.
Dựa trên kết quả phân tích hàm lượng curcumin năm đầu tiên trồng thử nghiệm hai giống nghệ tại tỉnh, tiến sĩ Tú khẳng định giống nghệ bản địa thích hợp hơn để triển khai trồng mở rộng trong năm thứ hai.
Trên cơ sở này, trong năm 2017, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã triển khai xây dựng mô hình 2ha nghệ trồng tại xã Vinh Quang, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum), xã Ia Tơi, Làng thanh niên lập nghiệp Ia H’Drai. Qua kiểm tra thực tế của Viện Hóa học cũng cho thấy giống nghệ địa phương sinh trưởng và phát triển tốt hơn giống nghệ VH.
Theo tiến sĩ Tú, với năng suất nghệ trung bình 30 tấn/ha và với giá bán khoảng 5 triệu đồng/tấn, người trồng nghệ thu 150 triệu đồng/ha và lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Cây nghệ là một trong những cây trồng cho người nông dân có thu nhập khá cao.
Hiện nay, củ nghệ dùng để chế biến nhiều loại dược liệu. Theo Viện Hóa học, Nacumin là sản phẩm của chương trình hợp tác nghiên cứu phát triển cây nghệ (curcuma longa) tại Việt Nam giữa các nhà khoa học Vương quốc Anh và Việt Nam do Hội đồng Anh đồng tài trợ. Nacumin có thành phần tinh chất nghệ curcumin tự nhiên siêu hòa tan có kích thước nano được chiết xuất từ củ nghệ vàng bằng công nghệ hóa học xanh có nhiều chức năng trong việc bảo vệ sức khỏe.
Trong buổi làm việc với Viện Hóa học mới đây, lãnh đạo tỉnh cùng với đại diện các sở, ngành còn đặt ra nhiều vấn đề trong việc thực hiện đề tài này như: việc lựa chọn giống trồng, lựa chọn vùng đất trồng; việc xây dựng quy trình sản xuất, nhân rộng mô hình, giải pháp nâng cao sản lượng; liên kết, đầu ra sản phẩm, sơ chế sản phẩm trước khi xuất ra khỏi tỉnh...
Đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ Viện Hóa học trong quá trình thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số giống nghệ (Curcuma longa) tại Kon Tum”; giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Hóa học trong quá trình thực hiện Đề tài.
Với sự nghiên cứu cây nghệ và với sự quan tâm của tỉnh, hy vọng trong những năm đến, cây nghệ sẽ có điều kiện phát triển mạnh và là cây trồng quan trọng giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập.
Văn Nhiên