Cơ hội mới cho ngành gỗ
Ngành gỗ trong năm 2017 có những đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với trên 135 triệu USD, đặc biệt là mặt hàng bàn ghế bằng gỗ. Việc mở rộng thị trường gắn với cam kết hợp tác quốc tế đang giúp các doanh nghiệp gỗ trong tỉnh có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế...
Cùng với những thị trường quen thuộc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện châu Âu là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Năm nay, triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018.
|
Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) được Việt Nam và châu Âu ký tắt vào tháng 5/2017. Những hiệp định này là tiền đề thuận lợi, giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Tới đây, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu sẽ được hưởng mức thuế 0% khi EVFTA có hiệu lực. Cam kết này sẽ cải thiện hoạt động thương mại giữa Việt Nam và châu Âu một cách đáng kể. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống phải chủ động nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất, chế biến để có thể tận dụng được lợi thế từ các cam kết trong quan hệ hợp tác.
Trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây xuất hiện tín hiệu cho thấy sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ. Hiện toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lâm sản. Đáng chú ý, có Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững đối với rừng tự nhiên FSC (Hội đồng quản trị rừng quốc tế).
Ông Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Công ty TNHH Thiện Vương cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đặc biệt là nguồn cung gỗ từ rừng trồng và nguồn gỗ cao su với lượng khai thác ngày càng gia tăng. Các giấy chứng nhận tiêu chuẩn rừng, nguồn gốc gỗ cũng là một thách thức với doanh nghiệp trong tỉnh (hiện mới có Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô có chứng chỉ). Mặc dù ngành gỗ Việt Nam đã tạo được chỗ đứng nhất định về mặt kỹ thuật, nhưng các nhà nhập khẩu châu Âu hiện đang quan ngại về vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, cũng như việc sử dụng hóa chất trong sản xuất…Hiện nay, quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp còn phức tạp, kể cả các nguyên liệu gỗ trồng như: cao su, tràm...Các hiệp định thương mại tự do luôn là cuộc chơi của các đại gia và khu vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa bao giờ cũng dễ bị tổn thương nhất.
Trước cơ hội và thách thức, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đang rất mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy ngành trồng rừng nguyên liệu và kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu. Hiện nay, thách thức về thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng và gỗ cao su thanh lý trên địa bàn đang diễn ra gay gắt khi có nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đang cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu với các cơ sở chế biến. Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo công nhân kỹ thuật; có những khoản vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp để nhập thiết bị, công nghệ hiện đại; có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu, mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật, để cạnh tranh thị trường cao, vươn lên tham gia tích cực vào quá trình hội nhập.
Dương Lê