Chủ động thay đổi để thích ứng
Trước hàng loạt khó khăn đến từ sự cạnh tranh trên thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động thay đổi tư duy và hành động; tích cực nghiên cứu, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chuyển hướng sang bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Gần 3 năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng (OCOP) được triển khai rộng rãi đã góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, khơi dậy được sức sáng tạo của các chủ thể sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 88 sản phẩm OCOP, trong đó, có 82 sản phẩm đạt 3 sao; 5 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm 5 sao quốc gia của 56 chủ thể sản xuất.
Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, thời gian qua, các chủ thể sản xuất đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại bị hạn chế; kênh bán hàng truyền thống bị tác động khiến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn. Điều đó, đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì sản xuất, doanh thu của các chủ thể OCOP.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chủ động thay đổi để thích ứng. Các chủ thể đã tích cực cải tiến về mẫu mã, nâng cao chất lượng; đồng thời, mạnh dạn tiếp cận và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử và trang mạng xã hội. Đây là sự thay đổi cần thiết để thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.
|
Chẳng hạn như Công ty Cổ phẩn Thương mại - Sản xuất và dịch vụ Lâm Thịnh (huyện Đăk Tô) có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi tiếp cận thị trường, doanh nghiệp này đã từng bước nhận ra những điểm hạn chế của sản phẩm, từ đó, từng bước thay đổi để hoàn thiện, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, đa dạng các kênh tiêu thụ.
Chị Hồ Thị Kim Oanh- Giám đốc Công ty cho biết: Trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, tôi thấy, sản phẩm của mình thiếu sức cạnh tranh so với hàng hóa của nhiều nơi khác, ngay cả với các nhãn hàng không phải là OCOP. Từ đó, đơn vị đã nghiên cứu, thay đổi toàn diện về mẫu mã, chất lượng nên tính hấp dẫn và sức cạnh tranh của sản phẩm đã tăng lên. Giờ đây, đứng bên cạnh các sản phẩm cùng loại của các địa phương thì sản phẩm của đơn vị không còn bị lép vế.
Bên cạnh đó, từ tháng 4/2020, Công ty đã mở gian hàng chính thức trên kênh mua sắm Shopee và hiện tại đang hướng đến các sàn thương mại điện tử khác như Lazada, Tiki, Sendo để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các đơn hàng của Công ty đều được khách hàng phản hồi tích cực trên Shopee. Mục tiêu của đơn vị là tiếp tục nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP của mình lên 4 sao, 5 sao để tiếp cận thị trường nước ngoài.
Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (huyện Đăk Tô) có 4 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm vào kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn, sản phẩm chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, dù có chất lượng tốt, do nhãn mác, bao bì chưa thật sự bắt mắt. Vì vậy, Công ty đã tìm hướng thay đổi để sản phẩm ấn tượng, hoàn chỉnh hơn, đồng thời, tăng cường trao đổi, tiêu thụ qua kênh bán hàng trực tuyến để đưa hàng hóa vươn rộng ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Chủ động thay đổi, thúc đẩy tiêu thụ online cũng là hướng đi đang được Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (huyện Đăk Hà) lựa chọn. Ông Phạm Xuân Bé- Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Trước đây, Hợp tác xã chỉ chú trọng đến tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng bán lẻ, đại lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, kênh tiêu thụ này gặp nhiều khó khăn, buộc Hợp tác xã phải chuyển hướng sang bán hàng qua Zalo, Facebook. Nhận thấy hiệu quả của bán hàng online, chúng tôi đã mạnh dạn đăng ký thủ tục để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada. Hình thức bán hàng mới này còn giúp chúng tôi tìm hiểu, nắm bắt được tâm lý khách hàng, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu, tăng cường cách thức marketing trên nền tảng số...
Có thể nói, sự năng động, nhạy bén và quyết tâm tạo dựng vị thế cho sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong việc nâng tầm và đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa. Điều đó, không chỉ góp phần mang lại doanh thu, lợi nhuận cho chính các chủ thể mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy, tạo sức lan tỏa cho chương trình OCOP.
Thiên Hương