Chống thất thoát vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản
Trong năm 2015, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan Thanh tra các cấp, các ngành thực hiện đúng kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt từ đầu năm, trong đó tập trung thanh tra việc quản lý đầu tư XDCB có nguồn vốn đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước...trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, vốn đầu tư về xây dựng cơ bản (XDCB) của Nhà nước trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng và chiếm tỷ lệ lớn, qua đó đã tạo nên sự chuyển biến quan trọng về cơ sở vật chất kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, cải thiện văn minh đô thị, đóng góp quyết định vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2014, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ là 1.789,435 tỷ đồng (chưa tính 127 tỷ đồng từ vốn nước ngoài), trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương 474,765 tỷ đồng; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và Trung ương bổ sung có mục tiêu 553,741 tỷ đồng; các nguồn quản lý qua ngân sách 83,620 tỷ đồng và nguồn trái phiếu Chính phủ 677,610 tỷ đồng. Có 13/17 công trình trọng điểm do địa phương quản lý được bố trí vốn đầu tư 2.024 tỷ đồng để triển khai xây dựng và đến nay đã giải ngân được 1.974 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch.
|
Tuy nhiên, việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án trong những năm qua còn nhiều hạn chế và yếu kém, dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn đầu tư trong XDCB, hiệu quả đầu tư kém, làm giảm chất lượng tăng trưởng kinh tế.... Trong năm 2014, ngành Thanh tra tỉnh có 43 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, trong đó riêng lĩnh vực XDCB có 02 cuộc thanh tra, nhưng qua thanh tra đã phát hiện sai phạm với số tiền trên 331 triệu đồng, ngành đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN 76,771 triệu đồng; xử lý khác 254,24 triệu đồng.
Để chấn chỉnh và chống thất thoát vốn trong XDCB, đầu tháng 11/2014, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở KH&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu. Luật Đấu thầu và các Nghị định hướng dẫn lần này có nhiều điểm mới, trong đó có những điểm thay đổi có tính đột phá so với quy định của Luật Đấu thầu năm 2005, như phạm vi điều chỉnh; tư cách hợp lệ của các nhà thầu; phương thức lựa chọn nhà thầu; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; ưu đãi trong đấu thầu; lựa chọn nhà thầu; hạn mức chỉ định thầu; phân cấp thẩm định, phê duyệt; xử lý vi phạm...Qua đó, giúp cán bộ các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hiện và năng lực quản lý điều hành nhằm góp phần làm cho công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh đúng quy định của pháp luật và phát huy hiệu quả.
Trong năm 2015, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan Thanh tra các cấp, các ngành thực hiện đúng kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt từ đầu năm, trong đó tập trung thanh tra việc quản lý đầu tư XDCB có nguồn vốn đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước...trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư XDCB, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sai phạm phát hiện qua thanh tra.
Một khi làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và thực hiện các giai đoạn của dự án đầu tư ngay trong từng khâu: chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư, các nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế, giám sát, các nhà thầu cung cấp trang thiết bị, các cơ quan tổ chức thực hiện chi đền bù giải phóng mặt bằng..., sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thất thoát và lãng phí trong hoạt động đầu tư XDCB.
Dương Lê