Chợ hoa đua nhau xả hàng, giảm giá
Chiều 30 Tết, các gian hàng ở chợ hoa xuân trên đường Trần Phú nối dài (đoạn đường Trường Chinh – Duy Tân) treo báo giá rẻ, xả hàng các sản phẩm.
Nếu như những ngày mới khai mạc chợ hoa, tất cả các sản phẩm đều không được báo giá, khách mua hỏi, người bán ra giá; thì nay các hàng đều treo biển giá cho sản phẩm cụ thể. Có hàng không những treo báo giá mà còn treo biển xả hàng, xổ hoa, giảm 50% giá… cho khách hàng dễ lựa chọn.
Tất cả các biển báo giá, xả hàng ở chợ hoa không cầu kỳ, tô vẽ, chỉ là vài ba chữ viết vội trên tấm bìa cạc tông đặt trên vệ đường hoặc treo ngay trên sản phẩm. Người mua chỉ cần nhìn vào biển treo mà chọn lựa.
|
Chỉ tay vào tấm biển báo giá hơn 50 chậu hoa cúc còn lại, anh Cường kể rằng, anh từ Quảng Ngãi mang hơn 500 chậu cúc nhà trồng được lên chợ hoa Kon Tum bán hơn cả tuần nay. Muốn bán xong sớm, anh treo biển bán 200 nghìn đồng/chậu từ tối 29 Tết nhưng đến tầm 15h chiều 30 Tết vẫn còn 50 chậu.
Theo anh Cường, toàn bộ số hoa cúc này là do nhà anh trồng được, thời gian từ khi xuống giống, chăm sóc, vô chậu đến khi mang ra chợ hoa là 3 tháng. Ngày mới đưa hoa lên Kon Tum, anh bán 400-500 nghìn đồng/chậu thì nay anh giảm xuống còn 200 nghìn đồng/chậu, nếu ai mua 2 chậu anh chấp nhận bán còn 150 nghìn/chậu mong vớt vát chút tiền xe.
Nhìn vào số hoa đang còn anh Cường thở dài: Hoa cúc chứ có phải hoa mai, hoa đào đâu mà còn để lại năm sau được. Tôi ra giá mềm cho khách dễ lựa chọn. Chỉ mong sao bán xong sớm để về ăn Tết với vợ con. Tôi nhẩm, nếu bán hết 50 chậu này thì vẫn lỗ chục triệu đồng. Sức mua chậm thế này, phải 22h đêm nay - theo quy định trả lại mặt bằng - mới dọn dẹp được, chắc phải đón giao thừa dọc đường thôi.
Không riêng anh Cường, dọc chợ hoa, các hàng hoa cúc - loại hoa không thể đem về vườn dưỡng lại để sang năm bán tiếp - đã đua nhau treo biển giảm giá, xổ hàng, hoa giá rẻ trong khoảng 150 - 300 nghìn đồng/chậu. Nếu so với những ngày đầu thì người bán chấp nhận giảm một nửa.
Cũng tương tự như các gian hàng bán hoa cúc, những người bán quất cũng treo biển xả hàng. Anh Khoa, nhà ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum kể, anh thuê hai chuyến xe ra tận Hội An (Quảng Nam) để lấy 135 cây quất. Mỗi chuyến xe vậy chi phí vận chuyển hết 8 triệu đồng, thuê nhân công bốc mỗi cây 15 nghìn đồng. Nhẩm tính bình quân chi phí vận chuyển, thuê gian hàng, mua cây… thì mỗi cây quất như vậy ở trong vốn 700 nghìn đồng. Nhưng, chỉ được mấy hôm đầu, có chậu quất anh bán tới 1,5 -2 triệu đồng, còn nay anh chấp nhận lỗ, giảm xuống 500 nghìn đồng/chậu mà vẫn còn hơn chục chậu.
“Trong số 135 chậu quất nhập về bán năm nay, chỉ có khoảng 70-80 chậu là bán được giá trên 700 nghìn đồng/chậu, tức là có lãi; số còn lại chấp nhận bán lỗ, vậy mà nay vẫn còn hơn chục chậu chưa bán được” – anh Khoa nói.
Không chấp nhận bán rẻ, anh Lân chặt cành toàn bộ số gốc đào còn lại để chở về nhà (07 Ngô Đức Đệ, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum).
Bên những cành đào phải chặt bỏ, anh Lân và cậu con trai hì hụi bê từng chậu gốc đào đưa lên xe tải. Anh Lân bảo, nếu như năm ngoái, những chậu đào cũng như thế này anh bán giá 700 nghìn đồng/chậu mà toàn bộ số đào mang ra chợ hoa bán hết thì năm nay đến ngày 30 Tết bán giá 400 nghìn đồng/chậu mà chẳng mấy người mua.
“Ngồi ở chợ hoa cả tuần nay cũng mệt lắm, Tết đến nơi rồi, với lại bán giá thấp hơn nữa tiếc lắm nên tôi quyết định chặt gốc chở về. Năm tới chịu khó chăm sóc, cây lớn hơn, chợ hoa năm sau lại mang ra, biết đâu lại được giá hơn” – anh Lân nói.
|
|
Không riêng anh Cường, anh Khoa, anh Lân, hầu hết chủ các gian hàng ở chợ hoa cho rằng, sức mua hoa của người dân năm nay chậm. Nguyên do là giá cả một số hàng nông sản như tiêu, cà phê… giảm nên nhiều gia đình chi tiêu tiết kiệm lại trong dịp Tết.
Bài, ảnh: Nguyên Phúc