Chìa khoá nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Nhằm phát hiện và vinh danh các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, giá trị sử dụng cao để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, từ năm 2016 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đây thực sự là cơ hội tôn vinh các mặt hàng Việt và là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, qua đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Công nghiệp nông thôn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển, đóng góp không nhỏ vào ngân sách của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh.
Do đó, để tìm ra những sản phẩm tiêu biểu, doanh nghiệp có những đóng góp quan trọng cho các địa phương, vừa qua, Sở Công thương đã tiến hành hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Đây là lần thứ 2 chương trình được tổ chức với 12 sản phẩm của 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia. So với lần đầu tổ chức, số sản phẩm đăng ký tăng hơn 7 sản phẩm và 3 đơn vị.
|
Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, các sản phẩm đăng ký tham gia đều thoả mãn được các tiêu chí khắt khe mà chương trình đưa ra như đáp ứng được nhu cầu của thị trường; khả năng phát triển sản xuất; tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường; văn hoá, thẩm mỹ... Và thực tế đã chứng minh, các sản phẩm đều đạt mức điểm để đề nghị UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Đặc biệt, những sản phẩm tham gia bình chọn đều đã khai thác nguyên liệu là thế mạnh của các địa phương như cà phê, gạo lúa đỏ Kon Plông, sâm dây, sâm Ngọc Linh, tiêu rừng...
Các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia đã quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm…
Hơn nữa, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này còn có đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn ở các địa phương.
Khách quan mà nhìn nhận, nhiều mặt hàng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần này đã có thương hiệu và tạo dựng được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh như cà phê Thanh Hương, cà phê Da Vàng 28, rượu sâm dây ngũ vị tử và rượu sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH Thái Hoà.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số tên tuổi còn khá mới mẻ như cà phê Ngọc Nguyên, cà phê Hải Tình... Nhưng sau khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, tất cả các sản phẩm này sẽ được in logo của chương trình trên bao bì sản phẩm; ưu tiên xét hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương và Quốc gia để phát triển mở rộng sản xuất, chuyển giao công nghệ và quảng bá xúc tiến thương mại.
Đồng thời, các sản phẩm này cũng được phép tham gia các hội nghị kết nối cung – cầu hàng hoá giữa các cơ sở sản xuất với hệ thống các nhà phân phối sản phẩm, hàng hoá lớn trên cả nước để thoả thuận tìm kiếm hợp đồng, ký kết hợp tác liên doanh...
Chính vì vậy, việc tổ chức hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu không chỉ vinh danh các sản phẩm Việt chính hãng, nâng tầm cho giá trị hàng hoá của tỉnh, mà thông qua hoạt động này còn giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Từ đó, các đơn vị có điều kiện đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển thương hiệu cũng như đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô và thị trường để phát triển sản phẩm lên một tầm cao mới giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy các ngành nghề công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển.
Để các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn lần này tiếp tục có những bước vươn xa, vượt ra khỏi thị trường trong tỉnh, cùng với sự nỗ lực của mỗi đơn vị, đòi hỏi hơn nữa sự đồng hành của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ phát triển thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng thị trường; tạo mối quan hệ với các địa phương ngoài tỉnh, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động khuyến công...
Trên thực tế, tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển các ngành nghề công nghiệp địa phương. Với 12 sản phẩm của 8 cơ sở sản xuất thuộc 4 địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần này tuy có cao hơn lần đầu, nhưng vẫn là một con số còn khá khiêm tốn.
Do đó, các ngành chức năng, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hơn nữa để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, có giá trị để tiếp tục được bình chọn và tôn vinh trong những năm tiếp theo.
Thiên Hương