Chăm sóc cà phê xứ lạnh trong mùa khô
Để cây cà phê chè sinh trưởng tốt và chịu được nắng hạn trong mùa khô, theo các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, bà con cần phải chăm sóc cây cà phê theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Theo Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, năm nay, tỉnh hỗ trợ cho đồng bào DTTS nghèo phát triển 130ha cây cà phê xứ lạnh. Được sự hỗ trợ của Đề án và sự chuyển giao kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cây cà phê sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống bình quân đạt 95% trở lên.
|
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra sự sinh trưởng và chăm sóc cà phê, chúng tôi nhận thấy một số hộ chăm sóc cà phê vẫn chưa đạt yêu cầu, như việc làm cỏ, xới đất quá kỹ mà không tạo bồn. Việc này lợi bất cập hại, bởi đất dốc nếu gặp mưa to sẽ cuốn trôi hết lớp đất mùn tơi xốp trên mặt. Hay như việc bà con chưa tủ gốc để giữ ẩm cho cây cà phê...
Để cây cà phê chè sinh trưởng tốt và chịu được nắng hạn trong mùa khô, theo các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, bà con cần phải chăm sóc cây cà phê theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Năm đầu trồng cà phê, bà con phải giẫy cỏ quanh gốc, chỉ làm cỏ dọc hàng cà phê với chiều rộng lớn hơn tán cà phê, chừa lại băng cỏ giữa hàng để chống xói mòn.
Mỗi năm làm cỏ từ 2 - 3 lần. Tất cả các thân lá, tàn dư thực vật có trong vườn cà phê đều được chôn vùi vào đất để tăng độ xốp, cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Vào mùa khô (từ khoảng tháng 10), bà con tiến hành tủ gốc cho cây cà phê, bằng việc dùng rơm rạ, cỏ khô, thân lá cây xanh...tủ gốc với độ dày 5-10cm, cách gốc 5-10cm để giúp cây cà phê giữ ẩm độ. Tháng 12 phát cỏ tạo đường ranh để phòng chống cháy.
Việc bón phân căn cứ vào hàm lượng dinh dưỡng của đất, bón vào vị trí tập trung nhiều rễ tơ nhất. Lượng phân bón chăm sóc cho 1ha/5.000 cây trồng mới vào đầu mùa khô (chăm sóc lần 4) là vào khoảng 70kg urê và 55kg kali.
Trước khi bón phân, cần làm cỏ sạch, đánh rạch xung quanh tán lá, đào rãnh theo mép tán rộng 15 – 20cm, sâu 20 – 25cm, trộn các loại phân với nhau rải đều theo rạch đã tạo quanh tán lá và lấp lại bằng lớp đất mặt để tránh bốc hơi hoặc phân bị rửa trôi khi mưa.
Cách tạo bồn bằng cách lấy đất quanh gốc đắp thành bờ ở phía ngoài mép tán, nén chặt thành bờ, chỗ lấy đất không được sâu quá 15cm. Hàng năm, bồn được mở rộng theo tán cà phê, thành bồn cao khoảng 10 – 15cm. Việc tạo bồn tiến hành làm vào đầu mùa mưa và phải tránh làm tổn thương bộ rễ cà phê. Đất có độ dốc trên 80 cần phải tạo bậc thang dần.
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, công tác phát hiện sâu bệnh hại phải kịp thời, vì vậy bà con cần kiểm tra vườn cây thường xuyên. Cây cà phê có một số loại sâu bệnh gây hại như bệnh gỉ sắt, nấm hồng, đốm mắt cua…
Đối với bệnh gỉ sắt, bà con dùng một trong các loại thuốc sau: Anvil 5SC; Tilt super 300ND; Tilt 25 ND; Champion 77WP (pha theo hướng dẫn trên bao bì).
Đối với bệnh nấm hồng, bà con dùng một trong những loại thuốc như: Bordeaux 50; Vanicide 5SL; Anvil 5SC phun lên cành 2 lần cách nhau 7-10 ngày (pha theo hướng dẫn trên bao bì).
Bệnh đốm mắt cua, bà con dùng thuốc Carbenzim 500FL; Champion 77WP (pha theo hướng dẫn trên bao bì).
Chăm sóc cà phê theo đúng yêu cầu kỹ thuật là yếu tố quan trọng bảo đảm cho việc thực hiện Đề án hỗ trợ và phát triển cây cà phê thành công, giúp hộ nghèo giảm nghèo và làm giàu bằng cà phê.
Đào Nguyên