Cây cau trên vùng đất Đông Trường Sơn
Trước đây người dân trồng cau chủ yếu để lấy quả ăn, sau này khi thị trường có nhu cầu, thương lái từ dưới đồng bằng tìm đến các xã có diện tích cau lớn để mua, cau dần trở thành hàng hoá.
Tại một số xã Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông như Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem, cau là một trong những loại cây trồng chính, có vị trí quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương này. Ngoài việc cho quả để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cau còn là loại cây hàng hoá giúp người dân có thêm thu nhập; đặc biệt, vài năm trở lại đây, khi giá cau quả trên thị trường tăng cao, cây cau thực sự góp phần cải thiện cuộc sống của người dân.
Trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi có dịp đi vào các xã Đăk Ring, Đăk Nên, thật ngạc nhiên, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh những vườn cau trĩu quả, thân cây cao vút, thẳng đứng nằm xen giữa các nóc nhà; trên rẫy, trên rừng, cau nằm rải rác lẫn với các vườn mì, vườn keo. Càng vào sâu trong xã Đăk Nên, những vườn cau càng dày hơn và Đăk Nên được coi là thủ phủ cau ở Kon Plông.
|
Cây cau có từ bao giờ trên đất Đông Trường Sơn cũng không ai biết rõ, chỉ nghe những người già ở xã Đăk Nên kể lại rằng, cây cau đã gắn bó với cuộc sống của mỗi người ở đây từ khi sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Bao đời nay, đàn ông, đàn bà sau khi lập gia đình đều biết ăn trầu; trong làng, từ những người còn trẻ đến các cụ già râu tóc bạc phơ quanh năm suốt tháng đều bỏm bẻm nhai trầu với hạt cau tươi rói được hái sau vườn.
Già làng A Tuân (làng Đăk Lup, xã Đăk Nên) kể: Người Xê Đăng ở đây có thói quen ăn trầu cho thơm miệng, chắc răng. Sáng sớm ngủ dậy, chưa cần ăn uống gì làm một miếng trầu là thấy ấm người và đỡ nhạt cái miệng. Trước đây, nhà nào cũng trồng dăm bảy chục cây cau chủ yếu trong vườn nhà vừa lấy quả ăn, vừa để tạo cảnh quan, làm hàng rào; trồng thêm ít cây trên rẫy để khi đi làm tiện lấy cau ăn, không phải mang từ nhà đi. Theo thời gian, những quả già rụng xuống, di chuyển khắp nơi, mọc thành các vườn trên đồi, trên rẫy.
Tuy nhiên, trước đây người dân trồng cau chủ yếu để lấy quả ăn, sau này khi thị trường có nhu cầu, thương lái từ dưới đồng bằng tìm đến các xã có diện tích cau lớn để mua, cau dần trở thành hàng hoá. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, sức mua tăng cao, cau trở thành mặt hàng có giá trị, mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông, toàn huyện có khoảng 170ha cau; trong đó xã Đăk Nên có diện tích lớn nhất với khoảng 80ha, xã Đăk Ring khoảng 65ha và xã Ngọc Tem khoảng 25ha.
|
Chủ tịch UBND xã Đăk Nên - Nguyễn Nghĩa Phúc cho biết: Trước đây, ở xã Đăk Nên, cau được trồng, mọc bạt ngàn từ vườn của các gia đình ra đến tận ruộng, rẫy. Nhà ít cũng có vài trăm gốc cau, nhà nhiều có tới vài héc ta cau. Ở Đăk Nên, ngoài cây mì, cây lúa, những năm qua, cau là loại cây hàng hoá quan trọng, góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi lòng hồ thuỷ điện Đăk Đrinh tích nước, một diện tích lớn cau của người dân đã bị chìm trong nước. Hiện nay, nhiều hộ dân cũng đã bắt đầu trồng lại, nhưng chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ hằng ngày chứ khó có thể mở rộng diện tích bởi quỹ đất sản xuất hiện nay rất hạn hẹp. Vài năm nay, quả cau được thương lái thu mua nhiều, được giá, những hộ gia đình có nhiều cau đã thắng lớn như nhà A Hoá (làng Đăk Lup), A Ray, A Huân (làng Đăk Búk)... mỗi hộ thu được cả mấy chục triệu đồng một vụ cau. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi nhiều hộ dân ở Đăk Nên đang còn loay hoay với việc tái sản xuất sau tái định cư thuỷ điện, thì cây cau đang góp phần gỡ khó cho người dân, giúp họ phần nào ổn định cuộc sống.
A Hoá (làng Đăk Lup, xã Đăk Nên) khoe với chúng tôi: Nhà mình có hơn 2 sào cau đang cho thu quả, bình thường, giá cau từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi mùa mình cũng thu được cả chục triệu đồng. Nhưng có những thời điểm như giáp Tết Nguyên đán năm ngoái, giá cau lên tới 50.000 – 70.000 đồng/kg; cây cau nào quả càng đẹp, quả to đều, buồng lớn thì càng được giá hơn, có khi thương lái trả tới 80.000 đồng/kg, mình lãi to, thu hoạch xong vụ cau, mình mua được cho con cái xe máy hơn 20 triệu đồng.
Cây cau tương dối dễ tính, không kén đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật trồng và chăm sóc đòi hỏi không cao nên rất phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào DTTS. Theo các hộ dân trồng cau cho hay, trung bình một cây cau cho thu hoạch 8 – 10kg/năm. Cây cau thường cho thu hoạch vào thời điểm cuối năm, giáp tết nguyên đán và thu kéo dài tới tận sau tết, nếu giá cả ổn định trong khoảng 10.000 đồng/kg thì mỗi ha cau cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, chu kỳ khai thác tới cả chục năm. Tuy nhiên, quá trình phát triển của cây cau từ khi trồng đến khi cho quả cũng khá dài, phải mất 5 – 6 năm.
Tuy cau đang được giá và nhiều người dân tỏ ra phấn khởi, nhưng câu chuyện xung quanh loại cây trồng này cũng còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bởi lẽ, thị trường tiêu thụ cau ở các xã Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông hiện nay đều phụ thuộc vào thương lái từ Quảng Ngãi lên thu mua. Khi sức mua tăng mạnh thì cau có giá và ngược lại khi nhu cầu thị trường giảm, giá cau cũng theo đó mà tuột dốc. Chính vì giá cau không ổn định, lên xuống thất thường nên ngành Nông nghiệp huyện Kon Plông và chính quyền các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọc Tem không khuyến khích bà con trồng nhiều để hạn chế rủi ro. Hiện nay, các xã và ngành chức năng chỉ vận động nhân dân duy trì diện tích hiện có, tích cực thâm canh, cải tạo lại các vùng cau kém hiệu quả để có thêm nguồn thu trước mắt, về lâu dài thì vẫn phải phát triển các loại cây có thị trường tiêu thụ ổn định như keo, bời lời...
Thiên Hương