Cây cà phê mở hướng thoát nghèo cho người dân Đăk Trăm
Mấy năm trở lại đây, đồng bào DTTS ở xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đã từng bước tiếp cận và phát triển cây cà phê vối. Với hiệu quả kinh tế mang lại vượt trội so với nhiều loại cây trồng truyền thống, cây cà phê đang mở ra hướng thoát nghèo cho nông dân ở địa phương.
Chúng tôi có dịp đến Đăk Trăm vào đúng thời điểm người dân đang bận rộn xuống giống trồng đợt cà phê cuối cùng của vụ này. Từ sáng sớm, các làng đã vắng người, trên các ngả đường thôn, những chiếc xe công nông hối hả chở cây giống từ nhà ra rẫy để trồng cho kịp thời vụ.
Nghe Phó chủ tịch UBND xã - A Don tiết lộ thì “bà con Đăk Trăm bây giờ tiến bộ lắm, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất, cải thiện thu nhập. Nếu như trước đây, người dân chỉ biết trồng cây mì, cây lúa, bắp, thì bây giờ nhà nhà thi nhau trồng cà phê, bời lời, một số hộ thì trồng cao su...Ban ngày, muốn gặp được người dân thì chỉ có ra rẫy ra lô thôi vì ai cũng mải mê đi làm”.
Đến tham quan vườn cà phê của nhà A Chinh (thôn Tê Pên), chúng tôi thật sự ấn tượng bởi những cành cà phê vươn dài trĩu quả. A Chinh là một trong những hộ đầu tiên dám thử sức với 430 cây cà phê ban đầu được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ giống, một phần phân bón và khoa học kỹ thuật, đến nay anh đã có hơn 1.300 cây.
A Chinh chia sẻ: Lâu nay, mình cũng chỉ biết trồng lúa, bắp, mì, đâu có nghĩ đến chuyện sẽ thay đổi một loại cây trồng nào. Năm 2011, khi xã và ngành Nông nghiệp vận động trồng thử cây cà phê, mình cũng run lắm vì đây là loại cây trồng đòi hòi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn và sẽ phải mất ít nhất 2 năm chưa có thu. Nhưng là thôn trưởng nên nghĩ kỹ lại mình quyết định thử sức để xem hiệu quả thế nào còn tuyên truyền cho bà con trong làng. Không ngờ, trên mảnh đất trước nay chỉ trồng mì, những cây cà phê đầu tiên lên xanh tốt, năm 2014 bắt đầu cho thu lứa quả đầu tiên. Dù cây còn nhỏ, nhưng năng suất khá cao, ví dụ như vụ vừa rồi được mùa, được giá, mình thu lời gần 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế mà nó mang lại cao hơn hẳn so các loại cây trồng lây nay mình vẫn làm, năm 2015 mình tiếp tục đầu tư trồng thêm 500 cây; 2016 mình lại trồng thêm 400 cây.
Cách vườn cà phê nhà A Chinh không xa là mảnh vườn hơn 700 cây cà phê của nhà A Vũ (thôn Tê Pên) được trồng từ năm 2011 và 2013. A Vũ cũng là một trong những người đi tiên phong đưa cây cà phê vào trồng trên mảnh vườn vốn chỉ quen với cây mì.
|
A Vũ cho biết: Ban đầu trồng thử hơn 300 cà phê, tôi cũng run lắm, vừa làm vừa lo. Lo nhất là bỏ vốn, công, đất ra làm mà nếu cây không cho hiệu quả như mong muốn thì chẳng những mất của còn mất một nguồn thu quan trọng suốt 3 năm trời. Nhưng khi thấy cây cà phê phát triển rất tốt, niềm tin của tôi dần được củng cố và đến khi cây ra trái, cho thu nhập thì tôi không còn gì phải băn khoăn nữa. Hiện nay với 700 cây cà phê, bình quân mỗi năm trừ chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... công nhà tôi tự làm được nên còn lời khoảng 60 triệu đồng.
Trước đây ở Đăk Trăm có một số hộ trồng rải rác một ít diện tích cà phê mít, nhưng năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân không mặn mà và hầu như đều chặt bỏ. Chỉ từ năm 2011, cây cà phê vối mới từng bước bén rễ xanh cây ở Đăk Trăm, đặc biệt khi những hộ trồng đầu tiên thu hoạch, thấy được hiệu quả kinh tế vượt trội mà nó mang lại, người dân các làng đã mạnh dạn làm theo. Vài năm trở lại đây, các gia đình tự học hỏi nhau, tìm hiểu qua báo chí cùng với sự hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện đã chuyển đổi những diện tích đất bằng phẳng, thuận tiện nguồn nước tưới vốn để trồng mì hay những mảnh vườn rộng rãi sát nhà để trồng cà phê.
Thế nhưng, theo ông A Don, ban đầu khi triển khai mô hình này gian nan lắm, xã cũng phải vận động những người có uy tín, có nhận thức tiến bộ hơn tham gia như thôn trưởng, thôn phó, già làng... Vậy mà, lúc đầu có 19 hộ đăng ký, nhưng đến lúc làm thì 4 hộ xin rút nên chỉ còn 15 hộ trồng, mỗi hộ từ 300- 500 cây. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã hiện có khoảng 70ha cây cà phê, nhưng thực tế lớn hơn rất nhiều bởi dân mình họ ngại kê khai. Đa phần các gia đình đều có 300 – 400 cây cà phê. Khi có nguồn thu từ những lứa cà phê trước, có điều kiện họ tiếp tục đầu tư trồng tiếp lứa sau, cứ thế diện tích tăng dần qua từng năm.
Gặp những người dân Đăk Trăm, hỏi về cây cà phê ai cũng phấn khởi chia sẻ đây đúng là loại cây trồng giúp mở ra hướng thoát nghèo cho nông dân. Với năng suất bình quân đạt từ 15 – 16 tấn quả tươi/ha không ai còn nghi ngờ gì về hiệu quả của loại cây trồng này.
Ngắm những vườn cà phê trĩu quả, cũng như người dân, chúng tôi hy vọng một mùa cà phê thắng lợi nữa lại về trên vùng đất Đăk Trăm. Nói như cách của Phó Chủ tịch UBND xã- A Don thì rồi đây những vườn cà phê xanh thẫm, mơn mởn ở triền đồi sẽ từng bước thay thế những rẫy mì cằn cỗi để mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Xê Đăng nơi đây.
Thiên Hương