Cấp phép sản xuất rượu thủ công: Còn lắm khó khăn
Nghị định số 94 ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu quy định, rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, việc hoạt động sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh hầu như đều không có phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng...
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Sở Công thương, toàn tỉnh có khoảng 430 hộ sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, không có hộ sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu chế biến lại.
Tuy nhiên, trên thực tế số lượng các hộ sản xuất rượu thủ công còn nhiều hơn, rượu làm ra chủ yếu bán cho người dân trực tiếp tiêu thụ, sử dụng.
Điều đáng nói là hầu hết các hộ này đều đang sản xuất tự do, phớt lờ các quy định của pháp luật và các cơ quan chức năng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc yêu cầu các hộ đăng ký cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công.
|
Nguyên nhân là do hầu hết các hộ này chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ, sản xuất không liên tục. Bình quân mỗi hộ chỉ nấu khoảng vài chục lít rượu mỗi tháng; vừa nấu rượu vừa kết hợp sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi. Các cơ sở này điều kiện địa điểm, cơ sở vật chất đều rất hạn chế, lạc hậu; trang thiết bị, dụng cụ thô sơ, sử dụng các vật liệu dễ bị thôi nhiễm vào thực phẩm; chưa kể, hầu hết các sản phẩm rượu này đều được chứa đựng trong các bao bì không có nhãn mác, không được công bố chất lượng sản phẩm...
Trong khi đó, để đủ điều kiện cấp giấy phép, các hộ sản xuất này phải đạt được những điều kiện nhất định về mặt pháp lý về môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn mác hàng hóa cũng như cơ sở vật chất mà pháp luật quy định.
Thời gian qua, mặc dù chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, kiểm tra xử phạt; nhưng tới thời điểm này, đa số hộ sản xuất rượu thủ công vẫn không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất kinh doanh.
|
Đơn cử như tại huyện Sa Thầy, tuy địa phương đã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, đến tận nhà vận động, nhưng đến nay, toàn huyện chỉ có 2 hộ sản xuất rượu thủ công đến Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện đăng ký được cấp giấy phép.
Nguyên nhân do thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công phức tạp, đặc biệt là vấn đề công bố hợp quy, hợp chuẩn, đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm… Chưa kể, chi phí và quá trình để các hộ sản xuất rượu thủ công đạt được các tiêu chí này tốn kém đến cả chục triệu đồng và kéo dài cả vài tháng, nên các hộ không mặn mà xin cấp phép.
Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là với sản phẩm rượu tự nấu theo phương pháp thủ công là điều cần thiết, nhưng nếu làm quá mạnh tay thì sẽ ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân. Đây là khó khăn không chỉ với các hộ sản xuất mà cả với các cơ quan, ngành quản lý.
Chính vì vậy, hiện nay, cùng với việc tăng cường quản lý, Sở Công thương và các địa phương vẫn lấy tuyên truyền, vận động các hộ là chính để từng bước thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, từ đó tự giác chấp hành các quy định. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Đây có thể xem là giải pháp hợp tình, hợp lý để từng bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh rượu đi vào nề nếp.
Ngọc Thắng