Cẩn trọng với phát triển ồ ạt sầu riêng
Việc người dân trồng sầu riêng ồ ạt, tự phát không theo quy hoạch, định hướng đang đứng trước nhiều rủi ro. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo xác định vùng chuyển đổi phù hợp, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng tính hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc người dân cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng trồng cây theo phong trào đã mang đến nhiều bài học xương máu. Bài học “nhãn tiền” gần đây nhất là việc ồ ạt trồng mít Thái đã để lại nhiều hệ quả mà chính người nông dân phải gánh chịu. Mít bán rẻ như cho, nhà vườn buồn chẳng muốn thu hoạch để rụng, thậm chí có nhiều người cũng chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Do đó, việc phát triển "nóng" cây sầu riêng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là việc chuyển đổi tự phát ngoài quy hoạch, ở những vùng không phù hợp.
|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự gia tăng nhanh diện tích như hiện nay, sầu riêng cũng đứng trước các nguy cơ "cung vượt cầu". Đặc biệt là thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đưa thông tin việc Trung Quốc đã trồng thành công sầu riêng và sắp đến thời kỳ thu hoạch. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trái cây, đặc biệt là sầu riêng của nước ta chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ rủi ro lớn nếu chúng ta phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch.
Trước thực trạng phát triển “nóng” diện tích sầu riêng trong cả nước, Tây Nguyên nói chung, ngày 30/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Tìm hiểu thực tế tại tỉnh ta, trong những năm gần đây, việc phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng khá nhanh, cả về diện tích lẫn năng suất, sản lượng. Thậm chí, nhiều người dân còn phá bỏ những cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng. Theo thống kê, hiện nay tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt hơn 9.4230ha, trong đó, cây sầu riêng khoảng 1.585,0ha (diện tích cho thu hoạch 520,0ha, năng suất 180,0 tạ/ha, sản lượng 93.600 tấn). Một trong những địa bàn có số lượng sầu riêng tăng nhanh là Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum.
Tuy nhiên, điều đáng nói việc phát triển diện tích cây sầu riêng chủ yếu là tự phát của người dân, không theo quy hoạch của chính quyền địa phương; chủ yếu trên diện tích cải tạo vườn tạp, trồng xen trong vườn cà phê, trồng luân canh, xen canh ở diện tích tái canh cao su, cà phê.
Tại huyện Đăk Tô, đến nay, toàn huyện có hơn 220ha sầu riêng, trong đó có khoảng 100ha đã cho thu hoạch. Diện tích cây sầu riêng chủ yếu là trồng xen với cà phê, cây ăn quả khác. Để phát triển bền vững cây sầu riêng, thời gian tới, huyện tăng cường công tác vận động, tuyên truyền cho người dân không nên chuyển đổi ồ ạt, không đúng định hướng, quy hoạch vùng của huyện. Đồng thời, tiến hành quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung, việc chuyển đổi phải đảm bảo khai thác hiệu quả hạ tầng có sẵn, phù hợp với định hướng để vừa thuận lợi trong công tác quản lý, chăm sóc và cấp mã vùng trồng.
|
Tại huyện Sa Thầy, hiện toàn huyện có hơn 300ha sầu riêng, trong đó, cũng có hơn 100ha đã cho thu hoạch. Ông Giả Tấn Đạt- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện nay, huyện đã quy hoạch những vùng thuận lợi có thể phát triển diện tích sầu riêng như ở Hơ Moong, Rờ Kơi, Ya Ly, Ya Xiêr. Huyện cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân nên trồng tập trung theo vùng để thuận lợi sau này trong việc cấp mã vùng trồng, đảm bảo cây trồng có nguồn gốc rõ ràng và điều đó sẽ thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Trước nguy cơ rủi ro về sự phát triển “nóng” cây sầu riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố trên địa bàn thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 8084/CT-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân trên địa bàn không tự phát mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở những vùng không phù hợp về khí hậu, đất đai, nguồn nước tưới; không nên chặt bỏ các loại cây trồng khác đang có hiệu quả để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng; rà soát, tổng hợp diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn, đề xuất xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; tăng cường công tác kiểm tra về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nói chung và giống cây sầu riêng, nói riêng trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; chủ động thu hút, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với người dân, tổ hợp tác, hợp tác hình thành chuỗi sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; phối hợp thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp định hướng phát triển chung của ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, sản xuất theo phong trào sang phát triển theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý và quy hoạch vùng trồng của địa phương để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Phúc Nguyên