Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới
Cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào trồng nhằm khai thác, phát triển kinh tế vườn là hướng đi đang được các cấp, các ngành và các địa phương chú trọng thực hiện. Điều này, vừa giúp nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần tạo diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại hơn, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới.
Trong một thời gian dài, phát triển kinh tế vườn trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có; chưa được người dân coi trọng. Trên một mảnh vườn, người dân thường trồng lẫn lộn nhiều loại cây theo kiểu nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, không cung cấp cho thị trường, vì vậy hiệu quả kinh tế chưa cao.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới- nhất là từ khi triển khai việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS; các cấp, các ngành và các địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy sản xuất, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, sắp xếp, bố trí lại cấu trúc không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với quy mô vườn của từng gia đình gắn với công tác chỉnh trang các khu dân cư. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng phát triển kinh tế vườn, góp phần thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững và tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh- sạch -đẹp.
|
Thôn Kon Pring của xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) được chọn làm điểm xây dựng thôn (làng) nông thôn mới của huyện Đăk Tô. Do đó, để giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tược, phá bỏ các cây trồng kém hiệu quả để trồng cây ăn quả, cây mắc ca. Với sự hỗ trợ tích cực về giống, kỹ thuật, công lao động; đôn đốc, hướng dẫn tận tình đến từng hộ gia đình, của ngành chức năng và chính quyền địa phương, phong trào cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được người dân thôn Kon Pring tích cực hưởng ứng. Đến nay, trong thôn không còn những mảnh vườn bị bỏ hoang hay trồng kiểu “được chăng hay chớ” mà hầu hết các gia đình tự ý thức rào vườn tược, trồng rau xanh và trồng các loại cây dài ngày có giá trị như mắc ca, cây ăn quả để có thêm nguồn thu trong thời gian tới.
Với phương châm “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, công tác cải tạo vườn tạp đang được huyện Đăk Tô từng bước triển khai và nhân rộng gắn với xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, từ năm 2022, huyện Đăk Hà triển khai chương trình cải tạo, phát triển kinh tế vườn theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững và phát triển sản phẩm chủ lực địa phương để tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Kế hoạch mà huyện đề ra là đến năm 2024, các xã, thị trấn trên địa bàn có từ 40% diện tích vườn hoặc hộ có vườn trở lên được cải tạo hiệu quả cả về kinh tế và môi trường sinh thái; năm 2025 con số này là 90%.
Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương cơ sở trên địa bàn huyện Đăk Hà tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; vận động người dân, nhất là đồng bào DTTS thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cơ sở huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân tiến hành cải tạo vườn tạp một cách hợp lý, khoa học.
Không riêng huyện Đăk Tô hay Đăk Hà, chủ trương cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình đang được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và chương trình xây dựng nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Để mở rộng diện tích cây ăn quả, đồng thời, khích lệ người dân đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh đề ra giải pháp triển khai quy hoạch vùng trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, tiểu vùng; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng các loại cây ăn quả; có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trồng các loại cây ăn quả, đảm bảo các hộ dân có đất vườn trồng tối thiểu 10 cây ăn quả/hộ, các năm tiếp theo tiếp tục phát triển số lượng cây ăn quả phù hợp với diện tích đất hiện có của người dân.
Có thể nói, trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu đặc biệt quan trọng nhằm góp phần tạo điều kiện hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc cải tạo vườn hộ, phát triển kinh tế vườn là một trong những giải pháp tích cực giúp gia tăng thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, củng cố những giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Thiên Hương