Cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện Plei Krông chết hàng loạt: Kiến nghị hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại khôi phục sản xuất
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh về mức độ thiệt hại và nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện Plei Krông chết hàng loạt trong các ngày 11-12/7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh và các cấp, các ngành có biện pháp hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại...
Sáng 21/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Báo cáo về mức độ thiệt hại và nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện Plei Krông chết hàng loạt trong các ngày 11-12/7 vừa qua.
Theo đó, qua thống kê, tại khu vực nuôi cá lồng bè ở thôn Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) có 6 hộ nuôi (26 lồng, quy mô lồng 6m x 6m x 3m và một số lồng 6m X 9m X 3m, hầu hết các lồng cá đã đến thời điểm thu hoạch) có cá chết, tổng thiệt hại là 60,3 tấn, trong đó, các hộ gia đình có lượng cá chết nhiều nhất là ông Lê Khả Tuyên (22 tấn), Trần Văn Tuấn (18 tấn), Trần Thế Cường (12 tấn), Vũ Đình Tân (8 tấn).
Tại khu vực nuôi ở thôn Thủy Nguyên (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) có 2 hộ nuôi, gồm 2 bè (tổng số 100 lồng) cũng có cá chết rải rác, tổng thiệt hại là 1,8 tấn. Khu vực này lòng hồ tương đối rộng, thoáng hơn.
Trên cơ sở kết quả phân tích chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả xét nghiệm dịch bệnh trên các mẫu cá chết của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, kết hợp với đánh giá hiện trạng tại khu vực nuôi cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định cá chết đột ngột là do thiếu o xy chứ không phải chết do độc tố hoặc dịch bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là mực nước lòng hồ thủy điện Plei Krông xuống thấp, bên cạnh đó, trong các ngày 11,12/7 có mưa lớn, kéo theo lượng bùn đất tràn xuống lòng hồ, lòng hồ thu hẹp, nước đục dẫn đến hàm lượng ô xy hòa tan trong nước xuống thấp - Báo cáo nêu.
Cũng tại báo cáo nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Đăk Hà xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại (theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ) để khôi phục sản xuất; rà soát, nắm danh sách các hộ có vay ngân hàng để đề nghị khoanh nợ, giãn nợ.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn các hộ nuôi khôi phục sản xuất; tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh thủy sản để kịp thời cảnh báo cho người nuôi thủy sản.
|
Đề nghị Công ty Thủy điện Ia Ly xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ nuôi cá lồng bè trên lồng hồ thủy điện Plei Krông để khôi phục sản xuất; thông báo cho chính quyền địa phương và người dân trước khi vận hành xả nước để chủ động đối phó, phòng ngừa rủi ro cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa thủy điện.
Tin, ảnh: Thành Hưng