“Bước tiến” PCI
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có vai trò rất quan trọng, là hệ thống phản hồi thông tin từ các dịch vụ hết sức khách quan, phản ánh được môi trường cạnh tranh cấp tỉnh cũng như chất lượng công tác điều hành, nhất là điều hành về phát triển kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính.
Sáng 11/4/2023, một thông tin làm cho nhiều người nức lòng: Theo Báo cáo xếp hạng PCI năm 2022 do VCCI công bố, tỉnh Kon Tum đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố.
Trong khu vực Tây Nguyên, Kon Tum chỉ xếp sau tỉnh Lâm Đồng (thứ 17 với 67,92 điểm); đứng trên Đăk Nông (thứ 38 với 64,87 điểm), Gia Lai (thứ 44 với 64 điểm), Đăk Lăk (thứ 60 với 60,91 điểm).
Như vậy, so với năm 2021, PCI của Kon Tum tăng 24 bậc. Trong 10 chỉ số thành phần thì có 6 chỉ số tăng điểm, gồm: Gia nhập thị trường 6,37 điểm (tăng 0,21); Chi phí không chính thức 7,21 điểm (tăng 1,41); Cạnh tranh bình đẳng 6,44 điểm (tăng 0,79); Tính năng động 6,46 điểm (tăng 0,04); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 6,16 điểm (tăng 0,23); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,21 điểm (tăng 1,62).
|
Đây là thứ hạng PCI cao nhất tỉnh ta đạt được kể từ năm 2006 đến nay. Đồng thời vượt mục tiêu phấn đấu PCI của năm 2022 là xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố.
Có thể nói, kết quả trên là hoàn toàn xứng đáng dành cho nỗ lực và quyết tâm lớn lao của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao xếp hạng PCI sau “cú sốc” năm 2021.
Khi ấy, Kon Tum tụt xuống gần cuối “bảng xếp hạng” (đạt 58,95 điểm, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành), giảm 5 bậc so với năm 2020, cũng là năm có chỉ số PCI thấp nhất, tính từ năm 2006, khi PCI được đánh giá xếp hạng đối với tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau đó, tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4, khóa XII (từ ngày 7-9/12/2022), thứ hạng thấp của Chỉ số PCI là một trong những vấn đề “nóng”, được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn UBND tỉnh và các ngành liên quan.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm, PCI có vai trò rất quan trọng, là hệ thống phản hồi thông tin từ các dịch vụ hết sức khách quan, phản ánh được môi trường cạnh tranh cấp tỉnh cũng như chất lượng điều hành, nhất là điều hành về phát triển kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính.
Vì vậy, cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, động lực cốt lõi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng ta phải tổ chức đánh giá, chỉ ra những hạn chế, khó khăn để cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần. Đặc biệt là các chỉ số có ảnh hưởng trực tiếp đến tổng điểm số PCI như dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm nhấn mạnh.
|
Hàng loạt quyết sách đã được xây dựng và triển khai khẩn trương, quyết liệt. Trong đó, ngày 14/11/2022, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh. Tiếp đó, ngày 12/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4212/KH-UBND về thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023.
UBND tỉnh và các địa phương đã đổi mới đáng kể phương thức kêu gọi đầu tư, năng động hơn trong xúc tiến đầu tư. Kết hợp hài hòa giữa việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược với những dự án quy mô lớn, vừa quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững.
Đồng hành với doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội nghị để bàn tháo gỡ khó khăn liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, tài sản công; tổ chức các chương trình đối thoại, cà phê nghiệp-doanh nhân để lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Lập các đoàn kiểm tra đột xuất hàng loạt cơ quan, đơn vị, qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, yếu kém, xử lý các cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chỉ số Chi phí không chính thức tăng điểm cho thấy sự cải thiện ở các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh; hay chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.
Thủ tục hành chính có cải thiện đáng kể khi có 92,99% thủ tục hành chính cấp tỉnh thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (tương ứng 1.313/1.412 thủ tục); 100% thủ tục hành chính cấp huyện (215) và cấp xã (100) được thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã.
Cung cấp 1.170 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 169 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.283/1.750 thủ tục hành chính của tỉnh (đạt tỷ lệ 73,31%).
Việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật, sự năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn đã đem lại bước tiến ngoạn mục trên bảng xếp hạng PCI năm 2022.
Tuy nhiên, không “ngủ quên” trên thành tích đạt được là điều mà chúng ta cần quán triệt sâu sắc vào lúc này.
Từ đó tiếp tục có sự nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành cũng như triển khai thực hiện việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cần tiếp tục khắc phục tình trạng thủ tục kinh doanh có điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai, nhất là sự phức tạp của thủ tục hành chính trong thuê, chuyển nhượng đất đai.
Một số vấn đề khác như công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định cũng cần được quan tâm giải quyết.
Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp, sử dụng Dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Duy trì và cải thiện chất lượng môi trường đầu tư thông qua gặp gỡ, đối thoại nhằm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính.
Hồng Lam