Bỏ phố lên rừng
Không ít người đã rời xa phố thị phồn hoa để về với đại ngàn Măng Đen hùng vĩ. Có người cho họ là “dở hơi” khi không ít người mơ ước, thậm chí tìm đủ cách để về thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc. Ấy vậy mà họ lại “bỏ phố lên rừng” gắn bó với Măng Đen. Và cùng với người dân địa phương, họ đang góp phần thổi luồng sinh khí mới cùng Măng Đen cất cánh…
Hút hồn vẻ đẹp hoang sơ
Những người ở Thành phố Hồ Chí Minh “bỏ phố lên rừng” đến với Măng Đen như bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (58 tuổi), Nguyễn Thị Kim Dung (50 tuổi) hay ông Lê Văn Phước (59 tuổi)…khá nhiều.
Mỗi người đến với Măng Đen vì một cơ duyên khác nhau: Người thì đến Măng Đen du lịch; người thì qua lời giới thiệu của bạn bè, qua đi làm từ thiện và cũng có người tìm đến để đầu tư làm kinh tế… Nhưng tất cả đều có chung một cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Măng Đen là bị hút hồn vì vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành…
Người từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Măng Đen đầu tư đầu tiên chính là bà Nguyễn Thị Kim Dung (50 tuổi).
|
Vốn ở quận Bình Chánh, mở xí nghiệp may có hơn 100 công nhân, đang làm ăn phát đạt, ấy vậy mà chỉ một lần (đúng 1 ngày) lên nghỉ mát ở Măng Đen, thấy vẻ hoang sơ kỳ vĩ và không khí trong lành của mảnh đất này, bà Dung đã bị chinh phục. Bà quyết định đưa cả gia đình lên đất này và đầu tư ban đầu 20 tỉ đồng (nay là 30 tỉ) để xây 3 khách sạn, nhà hàng.
Bà Dung nhớ lại: Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng với Măng Đen tôi quá ấn tượng trước khí hậu trong lành, vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng trùng điệp mà ít nơi nào có được. Vì vậy, tôi mới quyết định cùng cả nhà lên Măng Đen đầu tư, sinh sống và gắn bó.
Còn với thạc sĩ kinh tế Nguyễn Thị Thiện Mỹ “bỏ phố về rừng” cũng chỉ qua lời kể của bạn bè và một lần lên làm từ thiện tại Măng Đen.
Đó là vào năm 2009, bà Mỹ theo nhóm bạn đi làm từ thiện ở Măng Đen. Vẻ hoang sơ, trong lành đã cuốn hút bà và những người bạn. Vậy là 2010, bà Mỹ với hơn 10 hộ gia đình rời Quận 2 lên Măng Đen…trồng rau.
Bà Mỹ chia sẻ: Muốn tìm vùng đất như Măng Đen không dễ. Tôi thấy ngoài vẻ đẹp tự nhiên thì mảnh đất này còn nguyên sơ, đất sạch và đặc biệt là khí hậu trong lành nên tôi biết có thể đầu tư trồng rau, hoa phù hợp cho sản phẩm sạch…
“Trước đây tôi bị bệnh đau bao tử, người hay đau ốm vặt nhưng sau một thời gian sinh sống, làm việc ở Măng Đen này tôi thấy bệnh đỡ hắn, người thấy khỏe hơn, không đau bệnh như ngày xưa…”- bà Mỹ chiêm nghiệm.
Câu chuyện bỏ phố lên rừng trồng rau của ông Phước bắt nguồn từ ngày ông qua Úc thăm con đang du học. Tham quan nông trại của người bạn lâu năm làm rau xanh ở xứ này, kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm, mê quá nên về nước, ông đi tìm đất phù hợp và Măng Đen là nơi ông lựa chọn.
Ông Phước tâm sự: Đi Úc về tôi muốn đầu tư làm cái gì mới và luôn có giấc mơ về chỗ đứng của rau, quả Việt là xuất khẩu phải chất lượng song hành rau, quả các nước khác. Măng Đen không chỉ cho tôi ấn tượng bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, mà tôi còn nhận thấy khí hậu ở đây có thể phát triển rau hoa xứ lạnh phù hợp và càng hiệu quả hơn khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... Vì thế, tôi quyết định đến với Măng Đen.
Tình người níu chân
Quyết tâm là vậy, nhưng bà Mỹ, bà Dung và ông Phước... gặp nhiều khó khăn, công cuộc làm ăn không được suôn sẻ trong thời gian đầu. Đã có lúc họ nghĩ đến chuyện “bỏ rừng về phố”.
10 năm gắn bó đất này, bà Dung thổ lộ ở lại đây là vì tình người ở Măng Đen níu giữ. Lúc mới lên, một người ở huyện này cho công ty mượn chỗ ở, đặt văn phòng làm việc miễn phí.
“Khách sạn đi vào hoạt động năm 2008 rất ít khách, chủ yếu là dịp lễ, tết. Hồi ấy, bấp bênh lắm, 3 tháng mới trả lương 1 lần cho anh em. Có lúc nản lắm, đặc biệt là giai đoạn 2010-2012, tôi muốn rút lui. May nhờ mấy anh lãnh đạo huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum động viên, tôi có thêm quyết tâm bám trụ"- bà Dung tâm sự.
Cũng như bà Dung, bà Mỹ kể vài năm đầu, sau nhiều lần thất bại cộng với giao thông đi lại khó khăn nên nản và đã có lúc bà nghĩ bỏ về lại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Mỹ kể: Những ngày mưa lê thê, đi lấy nước uống phải đi bộ đường sình lầy lội qua con suối cách đó mấy trăm mét. Nhìn mưa lạnh, có lúc muốn về thật. Những lúc khó khăn đó, được lãnh đạo huyện, tỉnh đến thăm, động viên nên tôi quyết định ở lại.
|
“Ở đây một thời gian tôi thực sự ấn tượng trước tình cảm của mảnh đất và con người nơi đây. Khác với Thành phố Hồ Chí Minh, khi đi làm thủ tục giấy tờ mình phải tự làm và rất vất vả, nhưng ở đây, khi làm thủ tục được các anh lãnh đạo tạo mọi điều kiện, thậm chí còn hướng dẫn tận tình. Nhiều khi tôi bận việc anh em nơi này còn tự giúp tôi hoàn thiện các thủ tục giấy tờ… Tình cảm chân thành ấy làm tôi cảm động và quyết định gắn bó với Măng Đen” - bà Mỹ chia sẻ.
Còn với ông Phước, cũng chính bởi sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện và tình cảm chân thành của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông đã níu chân ông và ông quyết tâm đầu tư xây dựng tại mảnh đất Măng Đen hùng vĩ này.
Đất không phụ công người
Đến nay, khách sạn và nhà hàng của bà Dung là nơi đi về của khách thập phương. Cuộc sống và điều kiện kinh doanh tốt dần lên.
Bà Dung khoe: Chúng tôi vừa phối hợp với Viện nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Sài Gòn nuôi thành công 3.000 hũ đông trùng hạ thảo. Đây là sản phẩm mới ở đất này, chỉ nuôi lần đầu đã đạt. Một phần nhờ ở Măng Đen khí hậu mát mẻ phù hợp nên đơn vị tiếp tục cùng Viện nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Sài Gòn mở rộng quy mô sản xuất. Nếu thuận lợi, Tết Nguyên đán 2018 sẽ cho lứa đông trùng hạ thảo thứ 2, với giá từ 120-150 triệu đồng/kg khô hiện nay, thì đây là triển vọng lớn.
Ngoài sản phẩm này, bà Dung còn chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm "cây nhà lá vườn" dược liệu Măng Đen như: trà, rượu, kẹo, nước giải khát, mỹ phẩm chiết chế từ sâm đương quy, ba kích, hồng đẳng sâm, chè dây, táo mèo… Điều đáng nói là hiện nay, công ty của bà Dung đang giải quyết việc làm ổn định cho 25 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, trang trại rau, hoa 27ha của bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ với màu xanh ngút ngàn của khoai tây, dâu tây, chanh dây, các loại cải thảo và sắc đỏ, vàng của hoa phong lan, hồ điệp đang phát triển khá tốt hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, bà Mỹ đang tập trung cho phát triển các loại rau, hoa, củ quả cho ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2018 này.
Để có được kết quả như hôm nay, bà Mỹ mất 4 năm đầu, vừa cải tạo đất, vừa trồng thử nghiệm các loại rau quả và tìm kiếm đối tác, thị trường. Bước qua năm 2015 - 2016, bà Mỹ đã thành công khi chọn trồng những loại rau, củ, quả thích hợp với đất này và bắt đầu thu lợi nhuận mỗi năm vài tỉ đồng.
Hiện bà Mỹ đang tiếp tục đầu tư 6ha bưởi da xanh với 3.000 gốc đang ra bói và 3.500 gốc bơ sáp trên ngọn đồi gần 10ha xanh um đang là triển vọng lớn về hiệu quả kinh tế... Bà Mỹ cũng đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 người.
Cạnh trang trại của bà Mỹ là trang trại rau hoa của ông Lê Văn Phước đang hình thành. Dự án cần khoảng 7 triệu USD, giờ ông đã đầu tư 1,5 triệu USD xây dựng hạ tầng, nhà kính, giao thông… để trồng rau, quả. Tuy chưa đến thời kỳ thu nhập nhưng trang trại của ông đang là dự án khá triển vọng.
Ông Phước quyết định lên Măng Đen thuê 45ha đất và khởi công dịp Tết Nguyên đán 2015, lấy tên là Công ty TNHH Kon Plong Agri-Tourism. Hiện, ông Phước liên kết với Công ty Four Way (Úc), mỗi bên đầu tư một nửa vốn để triển khai dự án.
Công ty đầu tư áp dụng công nghệ Úc từ kho lạnh, hệ thống nước tưới, đến các loại giống rau quả đều từ Úc chuyển sang trồng. 6 tháng một lần, các chuyên gia từ Úc sang kiểm tra các khâu từ sản xuất đến sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ vốn, hướng dẫn bà con kỹ thuật làm rau và thu mua cho bà con, tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài theo tiêu chuẩn Úc, xa hơn là thị trường khó tính Nhật” - ông Phước say sưa nói về dự định.
Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Ở Măng Đen có hơn 20 nhà đầu tư từ Thành phố Hồ Chí Minh lên kinh doanh. Họ đang góp phần tích cực cho ngàn hoa Măng Đen khoe sắc và tự tin bước vào xuân mới, với niềm tin mới...
Văn Phương