Agribank Kon Tum: Quyết tâm giữ vững chân kiềng tam nông
Là ngân hàng thương mại nhà nước, đóng vai trò chủ lực cấp vốn cho khu vực tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), áp lực đặt ra đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Chi nhánh Kon Tum (Agribank Kon Tum) rất lớn. Việc huy động đủ vốn để cung ứng cho khách hàng đã khó; việc thực hiện chính sách tín dụng theo lãi suất của Nhà nước và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để giữ vững chân kiềng tam nông càng khó hơn.
Ông Phạm Đình Phước- Phó Giám đốc Agribank Kon Tum cho biết, Trong năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay; triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, kể từ ngày 10/7, Agribank đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Phước, trong giai đoạn vừa qua, cho vay nông nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, nhất là trong ngành chăn nuôi giá thịt heo sụt giảm mạnh… nhưng với vai trò là ngân hàng chủ lực cấp vốn cho khu vực tam nông, lại gắn bó với bà con nông dân trên địa bàn hàng chục năm qua, Agribank Kon Tum đã nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ bà con nông dân và doanh nghiệp.
|
Nhờ sự gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng với khách hàng, nên dù có sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các ngân hàng, nhưng Agribank Kon Tum vẫn giữ vững thị phần 40,33%, đạt chỉ tiêu đề ra. Đến cuối tháng 10/2017, tổng dư nợ đạt 9.544 tỷ đồng, với 31.200 khách hàng vay vốn, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn với 8.200 tỷ, chiếm tỷ trọng 86% tổng dư nợ, với 25.500 khách hàng vay vốn.
Phần lớn doanh nghiệp và người nông dân vay vốn, chủ yếu tập trung vào việc cho vay trồng cao su, trồng và chăm sóc cây cà phê, phát triển kinh tế hộ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu, tạo lập vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh phát triển. Đầu tư tín dụng nông thôn của Agribank Kon Tum trong thời gian qua, thật sự đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ông Võ Thanh Phúc ở thôn Đăk Toa, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) cho biết, thời gian qua khi giá cao su rớt mạnh, vợ chồng ông như ngồi trên đống lửa, căng thẳng, mệt mỏi khi vốn liếng của cả gia đình cũng như tiền vay đã dồn hết vào 03 ha cao su. Nhưng rất may, gia đình vẫn tiếp tục trụ được nhờ sự đồng hành, chia sẻ của Agribank Kon Tum, vì không những không gây áp lực trả nợ, mà ngân hàng còn luôn quan tâm, động viên, sát cánh cùng gia đình để bàn cách giải quyết khó khăn cũng như thực hiện gia hạn nợ. Đến nay, gia đình ông có được nguồn thu nhập ổn định từ cây cao su và cây tiêu, bình quân mỗi ngày thu nhập từ 400 đến 500 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Minh Hùng- Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh cho rằng, nguồn vốn vay từ Agribank Kon Tum đầu tư cho khu vực tam nông là một chính sách đúng của Nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ngành nông nghiệp có thêm cơ hội đầu tư máy móc, công nghệ mới, đặc biệt trong ngành chăn nuôi có cơ hội khôi phục lại sản xuất, sau đợt giá cả xuống thấp để tái đàn heo trở lại. Việc hạ lãi suất cho vay lĩnh vực tam nông hiện nay đã đem lại kỳ vọng lớn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và bà con nông dân.
Trên thực tế trong các năm qua, nguồn vốn cho tam nông đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, các khoản vay cho tam nông trên địa bàn tỉnh đa số đều manh mún, nhỏ lẻ, chưa mở rộng thị phần đầu tư đến các xã vùng sâu, vùng xa. Hoạt động tín dụng dành cho phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng gặp không ít khó khăn, do việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, tiềm ẩn rủi ro khi triển khai…
Để giữ vững vị trí số 1 trên thị trường tín dụng tam nông, Agribank Kon Tum xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó là tiếp tục cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn; đồng thời thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp. Trong thời gian tới, Agribank Kon Tum tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và đặc biệt là triển khai mô hình “ngân hàng lưu động” ngay trong năm 2017 để phát huy lợi thế về mạng lưới và nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ với chất lượng cao, trong đó tập trung ưu tiên tại thị trường khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh- ông Phạm Đình Phước nhấn mạnh.
Dương Lê