Xúc động Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa
Trong hải trình ra Quần đảo Trường Sa trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại vùng biển Gạc Ma, Đoàn công tác gồm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) cùng các phóng viên đi trên tàu Khánh Hòa 01 đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, nhiều thành viên trong Đoàn công tác đã không kìm nén được nước mắt.
Tối 25/12/2019, tại đảo Sinh Tồn (cách thành phố Cam Ranh 325 hải lý, tương đương 593km), tôi cùng các đồng nghiệp là phóng viên thuộc các cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí trên cả nước tham gia Đoàn công tác thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các đảo trên Quần đảo Trường Sa được đồng chí Trưởng đoàn là Thượng tá Nguyễn Đức Độ - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 thông báo: “Sáng sớm ngày mai (tức ngày 26/12/2019), khi tàu di chuyển từ đảo Sinh Tồn đến đảo Cô Lin, Đoàn công tác sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa”.
Sáng 26/12/2019, sau gần 1 tiếng đồng hồ di chuyển từ đảo Sinh Tồn, tàu Khánh Hòa 01 cũng đến vùng biển Gạc Ma. Đây là nơi mà cách đây hơn 30 năm, vào ngày 14/03/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
|
Mặt trời lúc này đã lên cao, gió nhẹ, mặt nước xanh thẫm phẳng lặng, những con sóng rì rào, nối nhau vỗ nhẹ vào thành tàu chở Đoàn công tác. Tàu được thả neo, các thành viên trong Đoàn công tác bắt đầu lên boong tàu phía sau cabin lái để tổ chức Lễ tưởng niệm. Trong trang phục chỉnh tề, mọi người đứng theo các hàng ngang trước bàn thờ các anh hùng liệt sĩ.
Quốc Ca vang lên trong không khí trang nghiêm dưới lá cờ Tổ quốc bay phất phới. Khi Quốc Ca vừa dứt, Thượng tá Nguyễn Đức Độ bắt đầu đọc lời tưởng niệm và ôn lại lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Thượng tá Độ kể lại, đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của nước ngoài đánh chiếm một số bãi đá ngầm ở Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của nước ta, lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ, chủ động, bình tĩnh, xử lý các tình huống, thực hiện nghiêm đối sách “Kiềm chế đến mức tối đa để giữ vững hòa bình, ổn định trên biển”. Tuy nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không thể khuất phục ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, ngày 14/03/1988, tàu nước ngoài ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo của nước ta. Đó là cuộc chiến không cân sức giữa những cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, dao và súng bộ binh với những tàu chiến của nước ngoài có trang bị vũ khí hiện đại. Vì thế, nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân của ta đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến này.
|
Thượng tá Độ nói với giọng trầm lại: Dù nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết mình, song lòng biển thì sâu rộng mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay, nhiều đồng chí vẫn phải nằm lại nơi biển sâu. Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang, nhưng để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào và đồng chí.
Trong không gian tĩnh lặng và thành kính của phút mặc niệm, 3 hồi còi tàu rền vang cả vùng biển Gạc Ma, sự kìm nén như đạt giới hạn, nhiều thành viên trong Đoàn công tác không kìm được cảm xúc, nước mắt cứ thế tuôn trào.
Trung úy Nguyễn Thị Hải Yến, công tác tại Truyền hình An ninh Ninh Thuận, người đã 3 lần ra Trường Sa công tác tâm sự, mỗi khi tham gia Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa, trái tim của cô luôn có cảm giác như bị bóp nghẹn. Nghĩ về các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, cô lại không ngăn được những giọt nước mắt của mình.
|
Liên tục lấy tay lau những giọt nước mắt lăn trên má, Nguyễn Gia Hân, thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” chia sẻ, trước sự hung tàn của giặc ngoại xâm, dẫu biết có thể hy sinh song các anh quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Ý chí sắt đá của các anh là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. “Tham dự nhiều buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa nhưng lần nào cũng vậy, trong tôi luôn dâng lên niềm tự hào, biết ơn và thương nhớ các anh”- Gia Hân nói.
Từng thành viên trong Đoàn công tác sau đó lần lượt thắp những nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Khi các cán bộ, chiến sĩ tổ chức thả vòng hoa, hương và lễ vật xuống biển cho các anh hùng liệt sĩ, phía lan can tàu đối diện, những chiến sĩ Hải quân trẻ tuổi, tay cầm những bông hoa cúc và hạc giấy, đứng lặng nhìn về phía đảo Gạc Ma không rời.
Trong nền nhạc Hồn tử sĩ, vòng hoa, hương, lễ vật và những con hạc giấy cứ thế bồng bềnh theo ngọn sóng, trôi về phía đảo Gạc Ma. Với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, từ trong sâu thẳm lòng mình, các thành viên trong Đoàn công tác đều mong các anh hùng liệt sĩ an nghỉ và thầm hứa thế hệ hôm nay và mai sau nguyện tiếp bước cha anh, đoàn kết một lòng phát huy truyền thống yêu nước gìn giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đức Thành