Vững vàng người lính Hải quân
Có niềm vinh dự nào hơn khi được cống hiến, được góp sức mình giữ gìn sự bình yên cho biển đảo Tổ quốc. Mang trong mình lòng tự hào ấy, mỗi người lính nơi Trường Sa luôn vững tin vượt qua muôn nghìn gian khó, vững vàng nơi đầu sóng, canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Với mỗi người dân Việt Nam, Trường Sa là 2 tiếng thiêng liêng, gắn bó máu thịt. Vì vậy, mỗi người đều ước nguyện một lần được đến thăm, được sống với những chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng giữa muôn trùng sóng nước. Vinh dự thay, tôi đã được một lần đến với Trường Sa.
Cho đến nay, dù đã gần hai năm sau chuyến đi đến với các điểm đảo ở vùng biển Trường Sa, nhưng hình ảnh người lính Hải quân cương nghị, hiên ngang, hùng dũng vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Giữa trùng khơi sóng gió, dưới cột mốc chủ quyền, các chiến sĩ Hải quân trên quần đảo Trường Sa vẫn ngày đêm thao luyện. Họ chẳng ngại nắng mưa, bão tố, kiên cường đối mặt với những thử thách, gian nan, không có bất cứ thứ gì có thể làm họ nản lòng.
Trong chuyến hải trình đến với 12 điểm đảo của quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 2018, tôi thực sự may mắn được chứng kiến hoạt động thay, thu quân của những người lính đảo. Không có gì đẹp hơn hình ảnh hàng trăm người chiến sĩ Hải quân (người lần đầu ra đảo, người đã ra đảo vài lần) vững chãi bước lên tàu ra đảo nhận nhiệm vụ. Phút chia tay người thân dù có chút lưu luyến, nhưng trong ánh mắt mỗi người vẫn ánh lên niềm tự hào vinh dự được lên đường bảo vệ Trường Sa.
|
Ngay giây phút đầu tiên, tôi bị thu hút bởi ánh mắt đầy tự hào của Thượng úy Phạm Ngọc Anh. Qua trò chuyện được biết, lần này anh nhận nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh. Đây là lần thứ 2 anh ra Trường Sa, lần trước anh đã công tác ở đảo Trường Sa Lớn một thời gian dài.
Thượng úy Phạm Ngọc Anh tâm sự: Được khoác lên mình màu áo hải quân là niềm tự hào của bất cứ người lính nào. Nhưng đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ phải cống hiến hết mình, không ngại gian khó, không ngại hi sinh để bảo vệ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Vì vậy, lần này được nhận nhiệm vụ mới tại đảo Phan Vinh, tôi nguyện sẽ cống hiến hết mình, tích cực rèn luyện, cùng đồng đội bảo vệ đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của cha ông.
Tại đảo Phan Vinh, hình ảnh các chiến sĩ Hải quân hoàn thành nhiệm vụ xếp hàng đến thắp nén nhang tại bàn thờ Anh hùng liệt sĩ Phan Vinh- người thuyền trưởng tàu không số đã hy sinh để bảo vệ hòn đảo khiến tôi rất xúc động. Chiến sĩ Nguyễn Quốc Trí, sau một năm rèn luyện tại đảo Phan Vinh B, hoàn thành nghĩa vụ trở về để ra quân cũng không giấu được nỗi buồn. Trước khi ra về, Trí đến bàn thờ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh tại đảo, thắp nén nhang nguyện sẽ luôn phát huy truyền thống của người chiến sĩ Hải quân, sẽ sống tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội, để không phụ lòng dìu dắt của đồng chí, đồng đội và xứng đáng với gương hy sinh anh dũng của lớp lớp cha anh đi trước…
Với những người chiến sĩ mới, họ đang ở tuổi với nhiều hoài bão, ước mơ và mong được cống hiến. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các chiến sĩ mới càng tỏ rõ sự tự hào khi được khoác áo lính Hải quân và càng tự hào hơn khi lại được ra quần đảo Trường Sa công tác.
Trong niềm tự hào ấy, chiến sĩ Thái Văn Nhạc (19 tuổi, ở Ninh Thuận) lên nhận nhiệm vụ tại đảo Núi Le phấn khởi cho biết: Em rất vinh dự được làm chiến sĩ hải quân, làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ biển trời của Tổ quốc, nên em sẽ cố gắng rèn luyện, vượt mọi khó khăn, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của Hải quân Việt Nam…
Tương tự, chiến sĩ mới Nguyễn Văn Chiến (19 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ: Hồi nhỏ, em đã mơ ước được làm người lính Hải quân và may mắn điều ước mơ đó đã thành hiện thực. Vì vậy em rất vui và tự hào lần này lại được ra Trường Sa. Sau hơn 6 tháng huấn luyện, em được điều ra nhận nhiệm vụ trên đảo Phan Vinh. Dù biết sẽ vất vả, khó khăn nhưng em nguyện sẽ đem hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Còn chiến sĩ Võ Quốc Cường, quê ở tỉnh Nghệ An, nhận nhiệm vụ ở đảo Tiên Nữ tâm sự: Đã khoác trên mình áo lính Hải quân thì mình phải hiểu rõ trách nhiệm, không ngừng rèn luyện bản thân, không ngại khó, sẵn sàng hy sinh thân mình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương, để đất nước toàn vẹn..
Trao đổi với chúng tôi, hạ sĩ Phạm Đình Chương (quê Quảng Ngãi, đóng quân tại đảo Phan Vinh) chia sẻ: “Đến Trường Sa đã là niềm mơ ước của tôi từ ngày nhỏ. Và khi trở thành một người lính ở hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh thì niềm tự hào càng lớn hơn, càng muốn gắn bó và cống hiến nhiều hơn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết yêu thương, chia sẻ trách nhiệm, xem đảo là nhà, đồng đội là anh em ruột thịt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Trường Sa- 2 tiếng thiêng liêng, bởi ở đó, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ người lính Hải quân. Hiện nay, những người lính Hải quân nói chung, những người lính ở Trường Sa nói riêng đang viết tiếp truyền thống ấy, vững vàng, kiên trung nơi đầu sóng...
Phúc Nguyên