Về làng kể chuyện biển đảo
Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền biển đảo, đồng bào DTTS tại Kon Tum không chỉ quen với các khái niệm về biển, đảo mà còn cùng với nhân dân cả nước một lòng hướng về biển đảo quê hương và dành tình cảm cho những người lính Hải quân.
Nắng hè oi bức không làm giảm không khí vui tươi, rộn ràng của bà con thôn Đăk Bla, xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei) vì được đón bộ đội Hải quân về tuyên truyền biển đảo, thăm hỏi, động viên, xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa phương. Bà Y Mốt - người có công với cách mạng được Quân chủng Hải quân hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa trong dịp này, không giấu được niềm vui: Tôi rất vui mừng, cảm ơn các chú bộ đội Hải quân đã giúp tôi có nhà ở kiên cố. Sau này, mong các chú thường xuyên về làng để kể cho bà con biết thêm thật nhiều điều về vùng biển, đảo của nước mình.
Ngoài gia đình bà Y Mốt, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của thôn Đăk Bla cũng được các chiến sĩ Hải quân tặng các phần quà giá trị; học sinh được tặng bút, vở và nghe kể chuyện về biển, đảo Tổ quốc. Tất cả những món quà đều đến từ sự đóng góp, tấm lòng hướng về đồng bào khó khăn của những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam.
|
Hoạt động tuyên truyền biển đảo kết hợp đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội trên là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực được Tỉnh ủy Kon Tum và Quân chủng Hải quân tiến hành, duy trì thường xuyên trong nhiều năm qua. Năm 2016, Kon Tum là tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Nguyên ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo với Quân chủng Hải quân. Từ đó đến nay, hoạt động này đã được triển khai một cách linh hoạt, hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng như: tổ chức tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến cho hàng ngàn lượt cán bộ chủ chốt; xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng; phụng dưỡng suốt đời 10 gia đình chính sách và tất cả Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh; chăm sóc người có công, thiếu niên nhi đồng. Ở nhiều thôn làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, hình ảnh người chiến sĩ Hải quân giúp dân xây nhà, tặng quà cho thiếu nhi, cùng cán bộ cơ sở và người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, nói chuyện về biển, đảo đã không còn xa lạ.
Ở khu vực biên giới, nội dung tuyên truyền biển đảo được những người lính biên phòng, công an địa phương kết hợp trong các hoạt động dân vận, tuyên truyền bảo vệ đường biên, cột mốc và công tác bảo vệ an ninh trật tự. Các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh xây dựng và duy trì chuyên mục “Hướng về biển, đảo quê hương”, “Vì chủ quyền biển đảo”; đẩy mạnh các tuyến thông tin về hoạt động đến thăm Trường Sa, hoạt động bảo vệ chủ quyền của lực lượng Hải quân. Hoạt động tuyên truyền biển đảo thông qua mạng xã hội, các hội, nhóm, diễn đàn cũng được phát huy tối đa. Bằng cách này, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều có thể trở thành một “tuyên truyền viên”.
|
Để hoạt động tuyên truyền biển đảo đạt được hiệu quả lâu dài, công tác tuyên truyền biển đảo cho đoàn viên thanh niên, thanh thiếu nhi được tỉnh đặc biệt coi trọng. Ngoài các buổi tuyên truyền trực tiếp cho học sinh, sinh viên theo chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy và Quân chủng Hải quân, đội ngũ giáo viên dạy các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân của các cấp học được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào bài giảng để truyền đạt cho học sinh, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương trong thế hệ trẻ.
Có thể khẳng định, bằng nhiều biện pháp và hình thức tuyên truyền thích hợp, tỉnh Kon Tum đã huy động được sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác tuyên truyền biển đảo. Giờ đây, dưới mái nhà rông không chỉ có tiếng cồng chiêng ngân vang, những bài hát ca ngợi quê hương đổi mới mà còn có những chuyện kể về biển đảo của Tổ quốc.
Đào Hiền