Trường Sa trong tôi
Chỉ có thể nói rằng, tôi đã thật may mắn và hạnh phúc khi được đến với Trường Sa. Tạm biệt Trường Sa, cảm giác lâng lâng của những cơn say sóng, cảm xúc trọn vẹn về hành trình kết nối yêu thương vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy trong tôi…
1. Có lẽ do được khuyến cáo từ trước là đi Trường Sa mới “thấm thía cảm giác say sóng”, nên trước giờ tàu nhổ neo, trong câu chuyện của các đại biểu, “say sóng” là từ được nhắc đến nhiều nhất, cũng là vấn đề khiến nhiều người lo lắng nhất.
Quả thật, điều mà mọi người lo lắng đã đến rất nhanh. Chỉ chưa đầy một giờ lướt sóng ra biển đông, con tàu KN- 491 to lớn và hiện đại đến vậy, với chiều dài trên 90 m, rộng hơn 18 m, có sân bay trực thăng, lúc này cũng trở nên nhỏ nhoi như chiếc lá giữa đại dương mênh mông. Biển êm, những con sóng chỉ chao nghiêng như đưa võng nhưng cũng đủ làm cho nhiều người lần đầu được “đạp sóng” ra biển lớn như tôi không tránh khỏi sự choáng ngợp. Tàu càng xa bờ, tiếng nói cười càng ít dần đi. Bữa ăn sáng đầu tiên trên tàu, chỉ cách thời điểm tàu nhổ neo chừng một tiếng đồng hồ, cả 4 phòng ăn đều vắng khá nhiều đại biểu. Nguyên ngày, loa của tàu liên tục thông báo tìm bác sĩ. Phòng tôi ở có 12 nữ, hơn nửa trong số này bỏ bữa, nằm bẹp trong phòng. Tôi cũng không ngoại lệ, dù đã uống thuốc “liều cao” vẫn không thể nhấc mình ra khỏi giường…
Thật may, chỉ sau một ngày đêm, cảm giác mệt mỏi vì say sóng đã vợi đi, không khí nhộn nhịp trên tàu đã quay trở lại, các phòng ăn đông dần.
Gặp chúng tôi ở phòng ăn, đại tá Vũ Bá Ấy, người có thâm niên trên 30 năm công tác trong lực lượng Hải quân và có 33 lần tham gia cùng các đoàn công tác ra thăm đảo, hóm hỉnh trấn an: Chị em yên tâm, theo kinh nghiệm hơn 30 lần đi Trường Sa thì đợt này là thời điểm đẹp nhất trong năm để đi biển và chắc chắn chuyến đi này sẽ thuận buồm xuôi gió. Khi đã quen với nhịp lắc lư của tàu thì gió biển cùng những con sóng dập dềnh sẽ giúp mọi người khỏe khoắn hơn, ngủ ngon hơn. Chỉ sợ đến lúc về đất liền, mọi người lại “tiếc nuối” vì chưa được nếm trải cảm giác “vật vã” của những cơn say sóng trong những ngày biển động!
Đúng như dự đoán của đại tá Vũ Bá Ấy, đoàn chúng tôi đã quá may mắn bởi trong suốt hành trình, thời tiết vô cùng thuận lợi, sóng yên, biển lặng. Tuy đến ngày cuối vẫn còn một số đại biểu bị say sóng, nhưng cũng chỉ là những “cơn say nhè nhẹ”, đủ để mỗi lần nhắc đến hai tiếng Trường Sa- mảnh đất nơi đầu sóng, vẫn thấy lòng mình lưu luyến, bâng khuâng…
2. Đến với Trường Sa, những món quà ấm áp nghĩa tình, đong đầy tình cảm của đất liền được các đoàn công tác chuẩn bị kỹ lưỡng. Cùng những món quà có giá trị phục vụ công tác, sinh hoạt, học tập cho quân và dân trên đảo như: ti vi, máy tính, sách, báo…, nhiều đoàn còn mang theo những món quà thiết thực như: hạt rau giống chất lượng cao, miến, măng khô, dầu ăn, nước mắm, hành, tỏi, ớt ngâm giấm, cà pháo muối…
Về quà của cá nhân, rất nhiều đại biểu mang theo thẻ cào điện thoại Viettel để tặng lính trẻ, có đại biểu còn cẩn thận mang cả bánh, sữa, truyện tranh thiếu nhi, khăn quàng đỏ để tặng trẻ em trên đảo.
Chị Nguyễn Thị Phương Hồng, công tác ở Cục Quân y- Bộ Quốc phòng được cánh phụ nữ bầu chọn là đại biểu “có tâm” nhất. Hàng chục thùng trái cây được chị mang theo xuống tàu, chất đầy trong phòng ở của chúng tôi. Trong hành trình, mỗi khi tàu thả neo để chuyển hàng cho các tàu làm nhiệm vụ trên biển, chị lại tất bật nhờ chúng tôi chia trái cây vào các túi để gửi theo xuồng cho các chiến sĩ. Quà tặng cho đảo của chị cũng rất đặc biệt, đó là những bộ nút áo Hải quân, là kim, chỉ và những chiếc dao cạo râu. Quả thật, hiếm có đại biểu nào lại chu toàn được như vậy!
|
Đáp lại tấm lòng của khách đến từ đất liền, anh em ở đảo cũng chuẩn bị những món quà rất đặc trưng của biển đảo. Đó là những móc đeo chìa khóa, chiếc vòng đeo tay được khéo léo kết từ những vỏ ốc nhỏ, lấp lánh đủ màu sắc; là những nhánh san hô, quả bàng vuông…Tuy nhiên, vì “đặc sản” có hạn, nên không phải đại biểu nào cũng có quà, mà “đối tượng” được lính đảo ưu tiên luôn là đại biểu nữ, nhà báo và các ca sĩ…
3. Trên tàu hay những lần ghé thăm đảo, với tấm lòng của những người mẹ, người chị, người em gái hậu phương, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các đại biểu nữ thường đi thăm nơi ăn chốn ở, động viên cán bộ, chiến sĩ.
Trong cuộc trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ ở đảo Trường Sa Lớn, biết được hoàn cảnh éo le “một chốn bốn quê” của gia đình đại úy Trương Xuân Hồng: cha mẹ hai bên đều ở Nghệ An, tuổi cao, sức yếu; vợ dạy học ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nuôi một con nhỏ mới hơn 1 tuổi; con trai đầu 6 tuổi bị bệnh bại não, đang gửi người thân nuôi ở Đăk Nông. Đại úy Hồng chỉ mong vợ được chuyển về dạy học ở Khánh Hòa để sớm ổn định cuộc sống gia đình, đón con trai về chăm sóc… Chị Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, tỉnh Gia Lai đã rất xúc động và nói với tôi: Ngay sau khi trở về đất liền, em sẽ cố gắng nhờ bạn bè giúp cho nguyện vọng của đại úy Hồng sớm trở thành hiện thực, bởi đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của đất liền với biển đảo quê hương…
Luôn gần gũi, quan tâm đến các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu, chị Đỗ Thị Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lạng Sơn đã nhận chiến sĩ Hải quân Vũ Mạnh Toàn làm con nuôi. Ngoài những lúc làm nhiệm vụ, hai mẹ con luôn quấn quýt bên nhau. Khi tàu cập cảng Cam Ranh để trở về đất liền, hai mẹ con bịn rịn chia tay khiến chúng tôi không kìm được nước mắt. Ngày 2/6 vừa qua, đám cưới của chiến sĩ Toàn được tổ chức ở quê nhà Thanh Hóa, hạnh phúc như được nhân đôi, bởi ngoài sự chúc phúc của gia đình hai bên nội-ngoại, còn có sự hiện diện của gia đình mẹ Thủy…
Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện cảm động trong hành trình đầy ý nghĩa này, mà mỗi lần nhắc lại, tôi vẫn thấy rưng rưng.
Trường Sa trong tôi không chỉ là những cơn say sóng, mà là những “cơn say” ấm áp nghĩa tình.
Hoàng Thúy