Trường Sa - Một lần đi… nhớ cả đời
Đã hơn một năm trôi qua, sau hành trình cùng Đoàn công tác của tỉnh ra thăm quần đảo Trường Sa, ông A Xứ (59 tuổi, dân tộc Ba Na) - cán bộ Văn hóa xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) đến giờ vẫn nhớ như in hình ảnh người chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió không ngại gian khổ hy sinh, ngày đêm chắc tay súng canh giữ, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc...
Đoàn công tác năm đó khởi hành từ ngày 15/5/2014, gồm 75 già làng, trưởng buôn ở khu vực Tây Nguyên ra thăm quần đảo Trường Sa. Sau 2 ngày đêm rẽ sóng vượt trùng khơi mang theo tình cảm thiết tha của nhân dân nơi đất liền, rạng sáng 17/5 con tàu mang ký hiệu HQ571 cập đảo Trường Sa Lớn trong sự chào đón nồng hậu của những người lính đảo.
|
Thấm thoát đã hơn một năm trôi qua, thế nhưng với ông A Xứ, hễ khi có khách lạ đến hỏi thăm về chuyến đi ra đảo, thì ông như được quay trở lại con tàu năm ấy, trở lại với những người chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa. Ông A Xứ chia sẻ: Tôi là người rất may mắn khi được Đảng, Nhà nước chọn đại diện cho bà con nhân dân xã Đăk Tờ Re cùng đoàn công tác của tỉnh ra thăm các chiến sĩ quần đảo Trường Sa. Từ ngày đó đến nay đã hơn một năm rồi, nhưng tôi vẫn không sao quên giây phút được đặt đôi chân lên đảo, được nắm đôi tay ấm áp của những người lính đảo và đặc biệt là được tận mắt nhìn thấy đảo - một phần chủ quyền thiêng liêng trên biển của Tổ quốc. Không riêng gì tôi, tất cả mọi người trong đoàn ai cũng xúc động, nghẹn ngào và đâu đó vang lên câu nói “Đây rồi Trường Sa sao mà gần gũi thân thương đến vậy!”.
Ông A Xứ phân tích và cho rằng, may mắn thứ nhất là ông đã thực hiện được tâm nguyện, mong ước một lần trong cuộc đời đặt chân đến đảo Trường Sa. May mắn thứ hai là ông được trải nghiệm cuộc sống của quân và dân trên biển, đảo. “Trước đây, tôi chỉ biết đến đảo qua những câu chuyện, sách báo và phim tài liệu, giờ đã tận mắt thấy, tai nghe, tôi mới thấu hiểu, cuộc sống của bà con mình trên đất liền tuy còn nghèo nhưng vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất, sinh hoạt. Còn với người dân và chiến sĩ trên đảo, họ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đơn cử nhất là việc tiết kiệm nước sinh hoạt- một điều tưởng như rất đỗi bình thường”- ông A Xứ bộc bạch.
Nói đoạn, ông A Xứ kể rành mạch về chuyện sử dụng nước ở Trường Sa: Chính giữa đảo có một cái giếng, chúng tôi ai cũng được thử cho biết. Nước bị lợ, rất khó uống. Để có nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, ngoài số nước được vận chuyển từ đất liền ra, các chiến sĩ và bà con xây bể chứa để tích nước khi trời mưa, nhưng cũng sử dụng hết sức tiết kiệm. Ví như nước sau khi dùng để rửa rau họ lại đem đổ vào xô, rồi chiều đến lấy số nước này đem tưới rau và vệ sinh chuồng trại.
Ngoài việc phải tiết kiệm nước, các chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa còn tiết kiệm cả đất sản xuất. Với họ, ở đây “tấc đất là tấc vàng”, họ tận những không gian chật hẹp để làm chuồng trại, chăn nuôi thêm con gà, con heo; không còn đất trống thì những thùng xốp là giải pháp hữu hiệu để trồng rau xanh. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng nhìn vào những vườn rau xanh mơn mởn, những con gà, con heo béo tròn, mọi người ai cũng thán phục họ.
Nói rồi ông A Xứ quay vào nhà trong mang ra một hộp giấy, bên trong đựng cuốn sổ nhật ký ghi lại toàn bộ hành trình gần 10 ngày đêm trên đất đảo; ảnh lưu niệm đoàn chụp cùng chiến sĩ Hải quân và nhân dân đang bám đảo; cùng huy hiệu chiến sĩ Trường Sa, vỏ sò, đá, cát…
Ông A Xứ sắp xếp lại những bức ảnh như để giới thiệu lại hải trình của mình: Đây là đảo Trường Sa Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài và Nhà giàn DK1; đây là cảnh viếng Tượng đài liệt sĩ, ảnh thăm và tặng quà các cháu học sinh tiểu học, trò chuyện cùng 7 hộ gia đình đang sinh sống trên đảo… Ông kể, dù thời gian lưu lại tại mỗi điểm đảo không lâu, song mỗi điểm đến, chúng tôi đều cố gắng tranh thủ xem nơi ăn, ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ để khi về còn kể lại cho vợ con, cho dân làng nghe…
Khi được hỏi về kỷ niệm mà ông ấn tượng nhất trong chuyến đi thăm đảo Trường Sa, ông A xứ nói: Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất là hình ảnh cả đoàn công tác ai cũng rưng rưng nước mắt khi tàu đi ngang qua đảo Gạc Ma, lúc ấy người hướng dẫn viên trên tàu nhẹ giọng giới thiệu lại lịch sử 26 năm về trước, ngày 14/3/1988, tại các đảo đá và bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc….
Ông A Xứ luôn ấn tượng và cảm phục tinh thần hy sinh, sức chịu đựng gian khó của các chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm can trường bám biển. Và cũng chính cuộc sống còn nhiều gian khó ấy của những người lính đảo đã giúp ông nhìn ra bài học về người thật, việc thật và kể từ đó, ông đã áp dụng bài học thực tiễn ở nơi đảo xa về cho gia đình, người thân và bà con nhân dân xã Đăk Tờ Re.
Từ ngày trở về, ông A Xứ giữ trọn lời hứa của mình cùng với 9 già làng, thôn trưởng tham gia trong chuyến đi là sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng và bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, nhân dân về niềm tự hào dân tộc, tự hào biển đảo; đồng thời kêu gọi mọi người tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, đóng góp sức người sức của cùng chia sẻ khó khăn với nhân dân và người lính trên quần đảo Trường Sa - Quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Ngô Xuân