Trường Sa – Điểm tựa của ngư dân khai thác xa bờ
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá còn là nơi cung cấp xăng dầu, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế và khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân đang khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ...
Do đặc thù của việc khai thác và đánh bắt xa bờ, nên khi đã đánh bắt đầy cá, tàu của ngư dân phải chạy từ 4 đến 5 ngày vào đất liền để bán cá và mua dầu, mua lương thực dự trữ để tiếp tục vươn khơi.
Mấy năm gần đây, từ khi các Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại huyện đảo Trường Sa đi vào hoạt động, ngư dân đến Trung tâm trực tiếp bán lượng thủy sản vừa đánh bắt được và mua nhu yếu phẩm, tiếp nước ngọt tiếp tục đi biển. Nhờ vậy, ngư dân có thể tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí xăng dầu và quan trọng nhất là không bỏ lỡ những mùa cá.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Bộ NN&PTNT) đi vào hoạt động với chức năng phục vụ cho tàu thuyền của bà con đánh bắt xa bờ.
Hiện nay Trung tâm có 8 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo và luân phiên trực canh trong lòng hồ đảo Đá Tây, sẵn sàng nhận lệnh tuần tra, cứu hộ hàng hải; đồng thời làm nhiệm vụ thu mua hải sản, bán hàng lưu động trên biển; dẫn luồng vào lòng hồ, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn. Đặc biệt, vào những ngày biển động, Trung tâm còn là nơi tránh, trú bão an toàn cho tàu thuyền của ngư dân.
Ông Chu Minh Sơn - Trưởng Ban quản lý Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây nói: Tất cả các dịch vụ đơn vị chúng tôi thực hiện theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân bám biển dài ngày. Theo đó, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu chúng tôi bán cho bà con ngư dân với giá như ở đất liền, sửa chữa tàu thuyền miễn phí tiền công, cấp nước ngọt miễn phí, và sắp xếp cho tàu thuyền của bà con ngư dân vào đây tránh, trú bão đảm bảo an toàn. Nhờ đó tạo điều kiện cho bà con ngư dân bám biển dài ngày, giảm chi phí đi về, làm giàu cho gia đình cũng như cho đất nước.
Ngoài đảo Đá Tây, hiện nay tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa đều đang làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân, là điểm tựa cho ngư dân trong những ngày vươn khơi bám biển.
|
Thượng tá Phạm Văn Thường - Chính trị viên đảo Phan Vinh A, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Khi ngư dân vào có nhu cầu chúng tôi tạo điều kiện khám chữa bệnh kịp thời, có những ca bệnh rất nguy hiểm, nhưng lực lượng bác sĩ ở đây cấp cứu kịp thời, tạo điều kiện đảm bảo sức khỏe cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản thật tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực giúp đỡ ngư dân về lương thực, nước ngọt, thực phẩm, tạo cho ngư dân có điều kiện đánh bắt dài ngày trên các quần đảo. Qua ngư dân, cũng giúp chúng tôi nắm bắt tình hình trên biển...
“Đối với bộ đội Hải quân chúng tôi luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân. Sự có mặt của ngư dân các tỉnh ven biển đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa đã góp phần cùng Hải quân giữ vững chủ quyền biển đảo của chúng ta. Phải nói rằng, Hải quân chúng tôi rất cảm động mỗi khi ngư dân ghé thăm, mỗi lần ngư dân đến là niềm vui để động viên cán bộ, chiến sĩ trên đảo, ngược lại cán bộ chiến sĩ trên đảo cũng giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân vươn khơi bám biển và hoạt động dài ngày trên biển. Đây chính là khẳng định chủ quyền của chúng ta trên khu vực Hoàng Sa và Trường Sa”- Đại tá Nguyễn Công Sơn – Phó Chính ủy vùng 4 Hải quân nói.
Có thể khẳng định, hoạt động của các Trung tâm hậu cần nghề cá và các đảo trên huyện đảo Trường Sa thực sự là điểm tựa đáng tin cậy cho ngư dân giữa muôn trùng sóng gió, góp phần cùng với lực lượng hải quân hỗ trợ đắc lực để tàu thuyền ngư dân vươn khơi, khai thác nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngọc Chí