Trường Sa - Điểm tựa của ngư dân
Mấy năm về trước, khi quần đảo Trường Sa có bão, ngư dân luôn phải đứng trước sự lựa chọn: Đảm bảo sự an toàn cho cả tàu để quay về đất liền tránh bão và chấp nhận lỗ lớn, hay cố gắng nán thêm để đánh bắt gỡ gạc lại chút đỉnh? Nhưng bão về nhanh, chạy không kịp thì chẳng khác gì “đánh đu” tính mạng với cuồng phong biển cả... Những ám ảnh ấy giờ đây đã được giải tỏa...
Câu chuyện trên tàu...
“Bây giờ ngư dân đến đánh bắt cá ở khu vực huyện đảo Trường Sa đã an tâm nhiều lắm!” - Đó là lời khẳng định của Đại tá Tạ Trung Đức – Phó Chính ủy vùng 4 Hải quân khi anh mở đầu cuộc trao đổi nhanh với tôi và một đồng nghiệp là Nhà báo Cao Xuân Phú – Phó Tổng biên tập Báo Quân khu 2 trên boong tàu KN491, trong chuyến đi của đoàn công tác số 11 vào trung tuần tháng 5/2017.
Với phong cách khoan thai, giọng nói chắc nịch đầy chất “riêng” của một lính biển có “thâm niên” từng trải sóng gió trùng khơi. Sau hớp cà phê còn nóng hổi (là loại cà phê hòa tan Đăk Hà mà tôi đã mang theo trong chuyến đi này, mời anh), Đại tá Đức giải thích thêm ý nghĩa câu nói của mình: Nói là “an tâm nhiều” vì bây giờ huyện đảo Trường Sa của chúng ta đã có nhiều âu tàu được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp, đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt. Có âu tàu sức chứa tới cả hai trăm tàu cá, đó chính là điều kiện để ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển dài ngày.
|
Đại tá Đức kể, nếu ngược lại chừng vài năm trước, mỗi lần ra ngư trường Trường Sa làm nghề, đặc biệt vào mùa giông bão, ngư dân cứ lo nơm nớp. Những chuyến đi không may trúng trận bão đang đổ bộ vào Biển Đông, thường ngư dân phải cấp tốc trở lại đất liền, nếu không thì phải chạy thật xa khỏi vùng bão có khả năng vào. Gặp những chuyến đi ấy, ngoài mất đứt quỹ thời gian sáu, bảy ngày đường ra và vào đất liền, thì số lượng nhiên liệu tiêu hao do chạy bão cũng không hề nhỏ. Còn ở lại Trường Sa thì chưa hẳn đã thuận lợi, bởi khi ấy, nếu ngoài đảo Song Tử Tây là điểm đỗ kiên cố, thì các âu tàu ở những đảo khác dường như chưa đem lại sự an tâm cho ngư dân, vì chỗ neo đậu chưa đảm bảo an toàn. Trong khi đó, ngư trường đánh bắt ở Trường Sa rất rộng, nên không phải chỗ nào cũng đến Song Tử Tây được dễ dàng. Vì vậy, các chuyến đi của ngư dân không may gặp trúng đợt áp thấp hoặc bão, hầu như phải quay vào bờ và chấp nhận thua lỗ lớn.
Ngồi trên boong tàu đang chạy đến đảo Song Tử Tây, câu chuyện của chúng tôi nhiều lúc còn bị đứt quãng trong mưa và gió rít mạnh. Mải say sưa câu chuyện, ly cà phê của chúng tôi đã lạnh ngắt. Thong thả nâng ly nhấp một hớp nhỏ như một quán tính, Đại tá Đức cao giọng nhấn mạnh: Đảng ủy Vùng 4 Hải quân chúng tôi luôn quán triệt sâu sắc tầm quan trọng trong việc giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Bởi vậy, việc hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt cá luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng như nhiệm vụ chiến đấu.
|
Để làm rõ hơn điều này, anh giải thích thêm: Mấy năm gần đây, bên cạnh việc Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp các âu tàu ở nhiều đảo như Đá Tây, Sinh Tồn, Trường Sa..., để bà con ngư dân có nơi ra vào trú ngụ, thì đi cùng với đó còn có những chính sách quan tâm khác như dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ hậu cần nghề cá đã được thực hiện ở hầu hết các âu tàu. Bây giờ ngư dân có thể an tâm vươn khơi bám biển được dài ngày mà không phải lo lắng thiếu nguồn nhiên liệu, lương thực, nước ngọt, những bất trắc về sự cố máy móc của tàu.
Trong câu chuyện Đại tá Đức cho biết, các Trung tâm dịch vụ hậu cần vùng 4 đều thực hiện chủ trương chung đó là: Cấp không nước ngọt cho bà con ngư dân; bán nhiên liệu cho bà con bằng giá đất liền; sửa chữa tàu hư hỏng miễn phí, nếu vật tư máy móc, thiết bị phụ trợ cần phải thay thế mới thì chỉ tính bằng giá đất liền...
Cùng với sự quan tâm này, Vùng 4 Hải quân còn hết sức chú trọng đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đại tá Đức cho biết, trong năm 2016 và 4 tháng của năm 2017, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã cứu hộ, cứu nạn trên trăm trường hợp tàu cá ngư dân và cả tàu nước ngoài bị nạn. Khám và cấp phát thuốc cho hàng trăm lượt ngư dân bị ốm đau trên biển. Trong đó, cấp cứu kịp thời nhiều vụ thương tích tai nạn lao động như gãy chân, tay, bị giảm áp do lặn sâu, mổ ruột thừa cấp tính...
Theo Đại tá Đức, việc Vùng 4 Hải quân làm tốt công tác dịch vụ hậu cần kỹ thuật, và gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng triển khai các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững môi trường đánh bắt ổn định, xây dựng niềm tin cho bà con ngư dân, qua đó đã tạo được thế trận hợp đồng khăng khít giữa quân và dân trong việc giữ vững chủ quyền biển đảo và gìn giữ môi trường hòa bình trên vùng biển.
...Đến thực tế sinh động
Từ câu chuyện trên boong tàu, trong những ngày công tác ở Trường Sa tôi đã có dịp được “mục sở thị” một số âu tàu ở các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây. Ngoài Song Tử Tây là điểm đảo có âu tàu đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, thì có nhiều âu tàu chỉ mới đi vào hoạt động trong thời gian gần đây.
|
Đơn cử như âu tàu ở đảo Sinh Tồn, mới đầu tư sửa chữa nâng cấp hoàn chỉnh và đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2016. Có thể nói đây là âu tàu trông đầy thơ mộng và bắt mắt. Âu tàu có diện tích khoảng 3,6ha, độ sâu xấp xỉ 5m, có hệ thống đèn chiếu sáng chạy dọc bờ kè vững chãi. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở đây luôn thực hiện tốt các chức năng hậu cần cho ngư dân về các mặt, đồng thời tiến hành sửa chữa được 40 tàu các loại, trong đó có hơn chục tàu cá của ngư dân bị hư hỏng.
Âu tàu đảo Đá Tây, chính thức đi vào hoạt động tháng 8/2016, đây là âu tàu thuộc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều hành. Ngoài việc thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ sửa chữa tàu, nhiên liệu và vật tư nghề biển, Trung tâm còn xúc tiến chủ trương thu mua cá tại ngư trường cho ngư dân bằng giá mua ở đất liền, giúp bà con ngư dân có cơ hội bám biển đánh bắt dài ngày. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên phối hợp cùng bộ đội Hải quân sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Cảng cá Trường Sa lớn, hiện đang được đầu tư nâng cấp. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có thể đón được tàu có công suất tối đa là 1000CV, phục vụ khoảng 90 lượt tàu cá/ngày và tổng lượng thủy sản lưu thông qua cảng là 10.000 tấn/năm, mở cơ hội cho nghề khai thác nuôi trồng, đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Trường Sa đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.
Một thực tế ghi nhận trong chuyến hành trình công tác này còn đọng mãi trong tôi: Đó là hình ảnh của những ngư dân luôn biểu lộ rõ niềm vui, phấn khởi. Đến chỗ nào, chúng tôi cũng nhận được những cái vẫy tay chào đầy nồng nhiệt, những nụ cười tươi đầy vững tin của họ khi các tàu cá đang nghỉ ngơi neo đậu tại các âu tàu.
TT