Trường Sa - Cảm xúc dâng trào
Thật vinh dự và tự hào, đúng dịp kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng Trường Sa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ ngày 2-10/5, tôi được tham gia cùng Đoàn công tác số 12, do Đại tá Nguyễn Thế Tốt - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn, đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Đã từ lâu, tôi luôn khao khát được một lần đến với Trường Sa, để được tận mắt thấy một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, qua đó hình dung đầy đủ hơn hình hài của dải đất hình chữ S thân yêu; để hiểu hơn về cuộc sống, về ý chí, nghị lực của các chiến sĩ Hải quân và các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo quê hương.
Ước mơ đã trở thành hiện thực, đúng dịp kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng Trường Sa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và 63 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5), tôi đã vô cùng may mắn được tham gia hành trình cùng Đoàn công tác số 12 đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên tàu Kiểm ngư Việt Nam KN-491.
Hải trình đến với 10 đảo chìm, đảo nổi của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc, với đủ cung bậc nối tiếp nhau.
Phấn khởi: Không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai khi đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đều phấn khởi trước sự đổi thay, phát triển của Trường Sa hôm nay, về sự quan tâm của cả nước hướng về Trường Sa, về biển đảo thân yêu.
Các đảo chìm: Đá Nam, Len Đao, Tốc Tan (A), Núi Le (A), Đá Tây (B)… trước đây nhà cửa còn xây dựng hết sức tạm bợ, hiểm nguy luôn rình rập khi có bão tố, thì nay nơi đây đã là những ngôi nhà vững chãi, sừng sững, hiên ngang giữa biển khơi, đủ sức chống chọi với sóng cuồng, bão giật…
Còn các đảo nổi: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Trường Sa (Trường Sa Lớn) như một làng quê thu nhỏ giữa đại dương mênh mông. Những ngôi nhà mái đỏ thấp thoáng dưới màu xanh của dừa, phi lao, bàng vuông, phong ba, mù u; tiếng trẻ em nô đùa, tiếng chuông chùa ngân nga… cho ta một cảm giác yên bình đến lạ!
|
Cảm phục: Phấn khởi, tự hào về sự đổi thay, phát triển của Trường Sa, càng cảm phục trước cuộc sống, ý chí và nghị lực của những người lính đảo. Xa đất liền, xa người thân, mọi thứ quanh các anh, từ chiếc giường đến chiếc tủ đựng vật dụng cá nhân… tất cả đều giản dị, đơn sơ nhưng vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. Và ẩn sau cuộc sống bình dị ấy là ý chí, là nghị lực phi thường. Vượt lên tất cả: sự thiếu vắng hơi ấm của người thân, sự khắc nghiệt của thời tiết, hiểm nguy luôn rình rập…, các anh luôn nêu cao tinh thần, ngày đêm vững tay súng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì sự vẹn toàn chủ quyền biển, đảo…
Nghẹn ngào: Tôi đã nán lại rất lâu trong Nghĩa trang Liệt sĩ đảo Nam Yết. Nghĩa trang với 5 ngôi mộ nằm cạnh nhau được xây cất khang trang. Nghẹn ngào, mắt tôi nhòa đi khi đọc những dòng chữ khắc trên bia mộ: Liệt sĩ Lại Huy Công, sinh năm 1980, hy sinh năm 2012, quê quán: Thái Thụy, Thái Bình; Liệt sĩ Nguyễn Văn Hà (1989-2010), quê quán: Quỳnh Giang, Nghệ An; Liệt sĩ Nguyễn Văn Cường (1990-2012), quê quán: Kim Động, Hưng Yên; Liệt sĩ Vũ Hoàng Phương (1995-2014), quê quán: Cam Lâm, Khánh Hòa và Liệt sĩ Đinh Thanh Bình (1992-2011), quê quán: Tuyên Hóa, Quảng Bình.
|
5 liệt sĩ - những đoàn viên thanh niên đến từ 5 miền quê trên đất nước, mang theo nhiệt huyết, khát khao của tuổi trẻ ra bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Giữa thời bình, các em đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, khi tuổi đời mới chớm đôi mươi - lứa tuổi đẹp đẽ nhất của cuộc đời, khép lại bao dự định, ước mơ còn dang dở. Dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, nay các em vẫn thanh thản nằm lại trong vòng tay yêu thương của đồng đội, của biển mẹ bao la…
Lưu luyến, bâng khuâng là giây phút chia tay những người lính đảo. Tôi đã cố kìm nén cảm xúc của mình nhưng vẫn không thể ngăn được dòng nước mắt. Xúc động không thể nói thành lời, dù chỉ là hai từ “tạm biệt”…
Cảm xúc này, chắc chắn mãi đọng lại trong tôi. Yêu lắm Trường Sa- một lần đi mãi nhớ! Một lần đi, đủ để nhớ suốt đời!
Hoàng Thúy