Trường mới trên đảo Sinh Tồn
Ngày 19/4 trở thành ngày vui lớn không chỉ của thầy trò Trường Tiểu học đảo Sinh Tồn mà còn là của toàn quân và dân trên đảo bởi ngôi trường mới khang trang do Quỹ học bổng Vừ A Dính tặng đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Có trường mới, thầy và trò như được tiếp thêm sức mạnh, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp trồng người nơi đảo xa…
|
Trường Tiểu học Sinh Tồn là ngôi trường thứ 2 tại quần đảo Trường Sa được Quỹ học bổng Vừ A Dính tài trợ. Trường được xây dựng 2 tầng với diện tích 383m2; khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, gồm 6 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng giáo vụ, ngoài ra còn có thư viện, sân chơi, bể nước, nhà vệ sinh và các thiết bị phục vụ công tác dạy và học.
Khó có thể diễn tả hết niềm vui của mọi người khi đứng ngắm ngôi trường mới. Chị Đỗ Thị Tuyết Lan- một phụ huynh học sinh bày tỏ: Trước đây, khi chưa có trường, các cháu phải học tạm tại trụ sở xã, rất bất tiện. Từ khi có trường mới, chúng tôi an tâm hơn khi cho các cháu đến lớp. Đây là món quà ý nghĩa của đồng bào cả nước chung tay xây dựng biển, đảo quê hương.
Năm nay, trường có 2 cháu lên lớp 1, một cháu lên lớp 2 và một cháu vào lớp 3. Những lớp học ở Trường Sa nói chung và Sinh Tồn nói riêng rất đặc biệt, được bố trí theo hình thức lớp ghép rất khoa học và dạy theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổng kết năm học vừa qua, 2 cháu đang học tiểu học tại trường đều đạt học sinh giỏi, 2 cháu mẫu giáo đều đạt “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Trường Tiểu học Sinh Tồn có 2 giáo viên trẻ là thầy Lê Anh Đức và thầy Nguyễn Ngọc Hạ. Trong đó, thầy giáo Lê Anh Đức xung phong ra đảo năm 2013, theo tiếng gọi của ngành Giáo dục vận động giáo viên ra Trường Sa dạy học. Khi ấy anh đang công tác ở Tỉnh đoàn Khánh Hòa. Thầy Đức chia sẻ: Với tôi, việc được sống và công tác tại Trường Sa là niềm vinh dự và tự hào. Ngày tôi đăng ký ra Trường Sa, cả nhà đều ủng hộ và động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, lại chưa được đào tạo nghiệp vụ nên tôi rất bỡ ngỡ, hồi hộp khi đứng trên bục giảng. Nhưng được sự động viên của các đồng chí chỉ huy đảo, sự hỗ trợ nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi thấy tự tin và yên tâm hơn.
Hơn nữa, ra đây, thấy các em nhỏ rất ngoan, chăm học; gia đình các em lại quý mến và gần gũi với thầy giáo nên tôi càng có thêm động lực để gắn bó lâu dài với đảo- thầy Đức tâm sự.
Để đáp ứng công tác dạy và học, các thầy thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trao đổi chuyên môn với nhau và với đồng nghiệp ở đất liền, vào Internet... Công tác ở đảo xa có nhiều nét đặc biệt, ngoài giờ dạy, các thầy còn tranh thủ tham gia đánh bắt cá, trồng rau xanh để cải thiện đời sống.
Dự một tiết dạy ở đây mới hiểu được sự tận tình của các thầy cô giáo nơi đảo xa. Thầy giáo “đa năng” cùng lúc đảm đương dạy cả 3 lớp, theo 3 chương trình khác nhau. Hướng dẫn cho em Nguyễn Trần Anh Luân (9 tuổi) các bài học lớp 3 xong, thầy Nguyễn Ngọc Hạ (24 tuổi, quê Đại Lãnh, Vạn Ninh) lại quay sang kiểm tra bài lớp 1 cho em Võ Trung Tín (7 tuổi) và không quên nhắc nhở 2 em Võ Thanh Thạch và Nguyễn Công Minh, đều 5 tuổi, học mẫu giáo tô màu vào vở tập.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng được nghe các em học sinh, phụ huynh nhắc đến những thầy giáo với tất cả sự quý mến và lòng kính trọng. Chị Trần Thị Ngọc Quý - phụ huynh học sinh - luôn thể hiện sự quý mến như với người thân trong gia đình. Chị Quý cho biết: Khi mới ra đảo, cháu nhà tôi học rất yếu, đặc biệt là môn Toán. Vì vậy, vào buổi tối, các thầy giáo trên đảo đã đến nhà kèm cặp, dạy thêm cho cháu. Hiện nay, học lực của cháu đã khá hơn. Sang năm lên cấp 2, cháu có thể theo kịp các bạn trong đất liền. Gia đình tôi rất biết ơn các thầy giáo ở đây.
Tuy điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy giáo luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Để học sinh nhanh chóng tiếp thu bài học, các thầy luôn tự mày mò, tìm cách truyền đạt sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Đối với những bài học cần minh họa trực quan, các thầy tự tay làm những dụng cụ dạy học bằng những vật liệu kiếm được trên đảo. Thầy Hạ cho biết: Học sinh trên đảo còn nhỏ tuổi nên nhận thức về xã hội, thế giới bên ngoài rất hạn chế. Vì vậy, đối với những bài học có nội dung liên quan đến cuộc sống nơi đất liền, chúng tôi phải tìm cách truyền đạt sao cho đơn giản, dễ hiểu bằng tranh ảnh sưu tầm được, hoặc những câu chuyện mà chính bản thân mình đã trải qua.
Thầy Nguyễn Ngọc Hạ cho biết thêm: Trước khi bước vào năm học mới, mọi trang thiết bị dùng cho việc dạy và học của trường đã được trang bị tương đối đầy đủ, từ sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết, vở bài tập, đồ dùng dạy học… Tất nhiên, dạy học ở đảo có những khó khăn mang tính đặc thù. Như việc trao đổi chuyên môn ở đây rất khó khăn, nhiều khi chúng tôi phải gọi điện về đất liền để tham khảo ý kiến đồng nghiệp. Hay như thầy giáo phải đảm đương nhiều chương trình cùng lúc nên việc truyền đạt phải chậm, từng bước để các em hiểu, nhất là các em nhỏ, mới chập chững làm quen với bảng chữ cái, con số... Nhưng chúng tôi đã và sẽ nỗ lực vượt qua.
Cùng với sự quan tâm của Nhà nước và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, sự cống hiến thầm lặng của những thầy giáo “đa năng” ấy đang ngày đêm góp phần làm cho các xã đảo ở Trường Sa vững vàng hơn trước đầu sóng ngọn gió…
PHÚ LÂM-ANH TUẤN