Thủ lĩnh thanh niên kể chuyện Trường Sa
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, chị Phan Thị Thủy - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Kon Tum may mắn được đại diện cho lớp ĐVTN của tỉnh đến với Trường Sa trong chuyến hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, do Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức. Chuyến đi đã để lại trong chị những ấn tượng sâu đậm về một Trường Sa thân yêu, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió…
Gần lắm Trường Sa
Sáng 28/5, thời tiết khá đẹp, con tàu mang số hiệu HQ-571 làm nhiệm vụ chở tình yêu, kết nối tấm lòng của đất liền với Trường Sa từ từ rời cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa đoàn công tác số 14 mà chị Phan Thị Thủy là một thành viên đến với Trường Sa. Chị nhớ, hôm đó thời tiết đẹp nên biển khá yên bình, gió thổi nhẹ, mặt nước chỉ gợn sóng như mặt hồ, biển xanh sâu thẳm. Cũng như nhiều người trong chuyến hành trình, lần đầu tiên được đến với Trường Sa nên chị hồi hộp, háo hức lắm.
Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, đoàn đến được điểm dừng chân đầu tiên, đó là đảo Đá Lớn. Đúng như tên gọi của nó, toàn bộ đảo là đá, nhưng trên đó, các cán bộ, chiến sĩ vẫn trồng được rau xanh, chỉ có điều rau được trồng trong chậu xi măng và đất thì được gửi từ trong đất liền ra. Sau đảo Đá Lớn, chị Thủy cùng đoàn lần lượt được đến thăm các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây, rồi đến Trường Sa Lớn – trái tim của Trường Sa, nhà giàn DK1, DK2…
Cập bến đảo Tiên Nữ |
Theo cảm nhận của chị Thủy, Đảo Nam Yết, đảo Trường Sa Lớn có vẻ trù phú hơn, vì trên đảo có đất nên các đơn vị hải quân đã trồng được rất nhiều cây xanh, tuy nhiên, cũng chỉ có những loại cây như bàng vuông, phong ba và gần đây có thêm cây dừa mới đủ sức chống trọi với nắng, gió khắc nghiệt ngoài biển khơi. Trên hai đảo này, các chiến sĩ đã trồng được khá nhiều rau xanh, không còn phải trồng trên chậu mà trồng thành luống, thành bãi hẳn hoi và trồng được cả hoa nữa. Trên đảo Trường Sa Lớn hôm nay còn có cả các hộ dân, trường học, điểm bưu điện, chùa, hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió đủ cung cấp điện cho nhu cầu sử dụng của quân và dân trên đảo… Nếu không nghe tiếng rì rầm của sóng vỗ, không để ý tới những cơn gió thổi lồng lộng mang theo vị mặn chát của biển, mọi người sẽ nghĩ mình đang ở một vùng quê nào đó trong đất liền. Có lẽ, điều này đã mang đến sự gần gũi, thân quen, rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền.
Cũng trong chuyến đi ấy, chị Thủy còn được thăm nhà truyền thống trưng bày những tư liệu quý về Trường Sa, tham gia lễ chào cờ, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sa, thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến trên đảo Gạc Ma (14/3/1988) để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chị Thủy chia sẻ: Nhìn những tấm bia khắc tên tuổi của những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, tôi cảm phục và trân trọng sự dũng cảm hy sinh của các thế hệ thanh niên trên đảo và càng tin tưởng hơn về sự vững vàng của Trường Sa…
Những tâm tình lính đảo
Những ngày trên đảo, chị Thủy được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, được nghe những tâm tình của lính biển với biết bao câu chuyện xúc động. Trên mỗi hòn đảo được đến thăm, ở đâu chị Thủy cũng gặp những chàng lính trẻ tuổi đời chỉ chừng 19, 20; khuôn mặt còn trẻ măng với nước da rám nắng, nhưng tư thế, ý chí thì rất vững vàng. Những câu chuyện, bài viết về nhiệm vụ, về những công việc của các chiến sĩ trên đảo mà chị đã từng được đọc trên báo, xem trên truyền hình hay nghe ai đó kể thì nhiều, nhưng chỉ khi đến Trường Sa rồi chị mới thấu hiểu và điều đọng lại sâu sắc nhất chính là những câu chuyện về sự thiếu thốn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và đời sống tinh thần của các anh – đặc biệt là nước ngọt.
Các chiến sĩ đùa rằng, chúng em toàn tắm bằng lon bia, đừng tưởng là tắm bia, mà đó là để tiết kiệm nước nên sau khi tắm nước biển xong, anh em lấy những vỏ lon bia đong nước để tráng lại người, rồi nước đó lại tận dụng để tưới cây. Quý giá là vậy đấy, vậy mà khi có khách đến chơi, ngay ngoài cầu tàu, các anh vẫn đặt sẵn những chậu nước ngọt để mọi người rửa mặt, rửa tay cho đỡ vị muối, vị biển. Một chút hy sinh giản dị ấy nhưng mới thấy tấm lòng của những chiến sỹ, lúc nào cũng nhận về mình những gian khổ...
Những câu chuyện riêng tư về tình yêu, về gia đình mà các chiến sĩ trên Đảo luôn đặt sau nhiệm vụ và ý chí bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, cũng đã để lại trong lòng chị Thủy nhiều cảm xúc. Đó là câu chuyện của một anh sĩ quan trẻ, cưới vợ được mấy ngày là anh phải ra đảo làm nhiệm vụ và đến nay, con gái anh đã được 9 tháng tuổi, nhưng anh vẫn chưa một lần về thăm nhà. May mà trên đảo đã có sóng điện thoại, có internet nên anh đã được biết mặt con, chứng kiến con lớn lên, thay đổi qua các hình ảnh vợ anh gửi, nhưng anh vẫn thèm lắm một lần được ẵm con vào lòng mà chưa có cơ hội thực hiện. Rồi câu chuyện về những chàng lính trẻ, sau những giờ tuần tra, đứng gác, các anh lại ra biển tìm nhặt những vỏ ốc, vỏ sò thật đẹp, miệt mài làm những món quà để dành khi về đất liền sẽ tặng bố mẹ, người yêu….
Với chị Thủy, chuyến thăm Trường Sa ngắn ngủi, chỉ 1 tuần cả đi và về, nên còn nhiều dự định ấp ủ chị mang đến lại mang về còn nhiều điều chị muốn được tìm hiểu mà chưa kịp…Tuy nhiên, chuyến đi đã mang lại cho chị những trải nghiệm quý giá. Theo chị, Trường Sa không ở đâu xa mà chính trong tim mỗi người. Còn với mỗi ĐVTN Kon Tum, việc bảo vệ vững chắc đường biên cột mốc, xây dựng phên dậu biên cương Tổ quốc vững vàng trên địa bàn tỉnh và sẵn sàng tinh thần hành động khi Tổ quốc cần, đó là cách yêu Trường Sa, yêu biển đảo, yêu Tổ quốc thiết thực nhất.
Thùy Hương