Thiêng liêng kỷ niệm Trường Sa của những người làm báo
“Không xa đâu Trường Sa ơi”… Câu hát đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt Nam, lắng đọng niềm xúc động thiêng liêng về biển đảo thân yêu. Vinh dự được đến vùng đất và con người nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc trong những chuyến hành trình hướng về Trường Sa của đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum đã để lại tình cảm sâu đậm trong cuộc đời mỗi phóng viên vinh dự một lần ra thăm đảo.
Phóng viên Văn Hiển ( Phòng Thời sự, Đài PTTH Kon Tum) kể: Sau hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, 5h sáng 17/5/2014, tàu cập bến đảo Trường Sa Lớn. Mệt mỏi sau chuyến đi dài, không ít người bị lả đi vì những cơn say sóng, nhưng hầu như tất cả đều trở dậy, đứng trên boong tàu, chờ đón giây phút đầu tiên được đặt chân lên đảo. Bồi hồi, xúc động… cảm xúc thật khó tả dâng trào. Nhiều người không cầm được nước mắt.
|
Lần đầu tiên được ra đảo, cũng là phóng viên thời sự đầu tiên của Đài PTTH tỉnh được góp mặt cùng các đoàn đại biểu lãnh đạo và những người có uy tín của tỉnh Kon Tum, do đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thân yêu, phóng viên Văn Hiển cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào, song cũng nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình trong hành trình đầy ý nghĩa.
Nén cảm xúc, Văn Hiển nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc. Ống kính của anh kịp ghi lại những biểu hiện xúc động của các thành viên trong đoàn đại biểu của tỉnh Kon Tum lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất giữa trùng khơi. Đó, cũng là những hình ảnh đầu tiên của người phóng viên miền núi cao về đảo Trường Sa thật gần gũi và thiêng liêng trong cảm nhận của mỗi người.
Sau lần đầu tiên tham gia của phóng viên Văn Hiển, năm 2015, Đài PTTH Kon Tum tiếp tục có phóng viên Tấn Thành và năm 2016 là phóng viên Ngọc Chí được vinh dự tác nghiệp trong hành trình thăm đảo Trường Sa của các đại biểu tỉnh Kon Tum trong đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức.
Cảm nhận chung, là chưa ở đâu như ở vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc này, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình đồng bào đồng chí nồng nàn, chan chứa, mãnh liệt của mọi người sống động và dâng trào đến vậy. Đi đến đâu trong hành trình thăm đảo, cũng thấy khâm phục tinh thần, ý chí, quyết tâm của quân và dân đảo xa.
Thời gian ngắn, thời tiết khắc nghiệt, lại liên tục di chuyển theo đoàn, áp lực công việc không nhỏ, song mỗi phóng viên đều cố gắng ghi lại thật nhiều hình ảnh; gặp gỡ, nắm bắt thật nhiều thông tin, tư liệu; mong muốn phản ánh sinh động và đa chiều cuộc sống sinh hoạt, lao động, công tác, học tập… của cán bộ chiến sĩ và người dân vùng biển trời nắng gió khắc nghiệt.
“Già làng A Sứ ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy hiểu rằng mỗi tấc đất, từng viên san hô trên quần đảo Trường Sa đều thấm đẫm mồ hôi và cả máu của quân và dân ở đây. Vì vậy, khi đến thăm từng đảo, già làng A Sứ đều giữ một viên san hô để làm kỉ vật chuyến đi”- phóng viên Văn Hiển viết trong phóng sự của mình.
Trong chuyến công tác ở Trường Sa của phóng viên Tấn Thành, sáng 22/5/2016, đảo Song Tử Tây là điểm đầu tiên đoàn công tác số 12 do đồng chí Đào Xuân Quí (khi ấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) làm trưởng đoàn đến thăm. Các thành viên của đoàn công tác đã đến thăm cột mốc chủ quyền, dâng hương tại chùa Song Tử Tây và gặp gỡ, tìm hiểu cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Với phóng viên Tấn Thành, được tham dự lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988 khi bảo vệ đảo Gạc Ma, đã để lại tình cảm sâu đậm và ấn tượng nhất.
Công việc chuẩn bị cho lễ tưởng niệm rất chu đáo, bằng tất cả tấm lòng thành kính. Tàu chở các thành viên đoàn công tác số 12 đến vị trí cách đảo Gạc Ma đang bị chiếm giữ trái phép khoảng 3 hải lý thì dừng lại. Trên boong tàu, mắt hướng về phía đảo thấm máu những người con ưu tú của Tổ quốc, tất cả kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm, tri ân.
Câu chuyện về lòng quả cảm, ngời sáng tinh thần yêu nước, không khuất phục trước họng súng của kẻ thù, quyết bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc của các chiến sĩ để lại niềm xúc động chân thành, ấn tượng mạnh mẽ trong lòng mọi người - phóng viên Tấn Thành chia sẻ.
Trở về từ chuyến thăm quân dân đảo Trường Sa cùng đoàn công tác số 16, trong đó có các đại biểu của tỉnh Kon Tum từ ngày 28/5 đến ngày 6/6/2016, phóng viên Ngọc Chí còn lâng lâng cảm xúc.
Trong tổng số 8 đảo chìm, đảo nổi với tất cả 11 điểm đảo được đến thăm, nơi nào cũng để lại cho Ngọc Chí cảm xúc khó quên, song ấn tượng nhất là được đến thăm nhà giàn DK1.
Từ đảo Trường Sa lớn đến Nhà giàn, đi ca nô mất 8 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Từ xa, Nhà giàn trông nhỏ bé, đơn lẻ giữa biển trời mênh mông, nhưng càng đến gần, thế đứng uy nghi, sừng sững càng hiện rõ. Vì sóng lớn, ca nô phải neo lại, chờ lặng sóng mới có thể vào gần vị trí Nhà giàn. Đứng trước công trình vĩ đại trên biển này, cảm nhận về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được khẳng định một cách sống động nhất, biểu hiện cao nhất quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Cũng như các đồng nghiệp từng tác nghiệp ở Trường Sa, do thời gian ngắn, nên phóng viên Ngọc Chí đã cố gắng ghi nhận, để khi trở về đất liền, có thể chuyển tải nhiều góc độ trong bức tranh hiện thực sống động về Trường Sa trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu. Đó cũng chính là lời tri ân với cán bộ chiến sĩ, đồng bào nơi đảo xa sóng gió; như một lời gửi gắm được chuyển từ đảo xa đến đất liền về một niềm tin đã thành chân lý - Quyết tâm bảo vệ từng tấc đất và vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.
Thanh Như