Tàu Quân y 561: Cầu nối giữa đất liền với Trường Sa
Tàu đưa gần 200 cán bộ đoàn công tác số 16 của các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bạc Liêu và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là Tàu Quân y 561, được đặt tên Khánh Hòa – 01.
Con tàu là niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam, bởi nó là tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á, do chính bộ đội ta thiết kế, chế tạo.
Tàu 561 được chế tạo tại Công ty 189 – Bộ Quốc phòng, có chiều dài hơn 70m, chiều rộng hơn 13m. Tàu có các vây cánh ngầm, khi sóng to, chúng sẽ được mở ra giúp giảm từ 1 – 2 cấp sóng.
|
Tàu có 9 phòng chức năng, gồm phòng giảm áp (điều trị các tai biến do lặn, khám tuyển phi công và tàu ngầm), phòng xét nghiệm, phòng hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm – hội chẩn, phòng mổ có kết nối vệ tinh VINASAT, phòng chuyên khoa răng – hàm – mặt…
Trang thiết bị, vật tư y tế trên tàu tương đương với bệnh viện tuyến huyện. Các trang thiết bị y tế này được nhập từ các nước tiên tiến, như máy siêu âm màu 4 chiều, máy đo điện tim, xét nghiệm sinh hóa.
|
Với những trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ quân y chuyên môn cao, Tàu 561 đã cấp cứu, chữa trị thành công cho nhiều ngư dân trên biển.
Điển hình, vào giữa tháng 5/2016, Tàu 561 đã cứu sống bệnh nhân Nguyễn Liên, ngư dân tỉnh Bình Thuận bị giảm áp do lặn sâu đến 60m. Bệnh nhân bị liệt nửa người, bàng quang to đe dọa bể bàng quang cấp. Sau khi được cấp cứu ban đầu an toàn, bệnh nhân Nguyễn Liên được chuyển vào bờ điều trị.
Hay, năm 2015 có một trường hợp bị đột quỵ não. Khi tàu đi qua khu vực đó ban đêm thì ngư dân có tín hiệu liên lạc, chỉ huy tàu đã cho tàu quay lại, tiến hành cấp cứu và hội chẩn với Bệnh viện 175 trong đêm, đến 5h sáng chuyển về đảo Trường Sa Lớn để trực thăng chở về cấp cứu ở trong bờ.
Ngoài các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ cùng với thủy thủ đoàn Tàu 561 luôn phối hợp rất chặt chẽ để thực hiện tốt việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trên biển.
Đại úy Hoàng Đình Duyến - Thuyền trưởng Tàu 561 cho biết: Khi có nhiệm vụ khám chữa bệnh ở trên biển, đặc biệt là khi có các bệnh nhân liên quan đến mổ thì tàu sẽ cơ động theo một hướng đi êm nhất cho đội ngũ y, bác sĩ làm việc. Tàu có thể tạm thời thay đổi hướng đi, gối sóng từ 45 độ, giảm tốc độ hoặc có thể đi xuôi sóng, tạo điều kiện tàu cân bằng tốt nhất cho đội ngũ y, bác sĩ làm việc, xong thì tàu sẽ lấy lại hướng đi theo kế hoạch.
“Đối với các y, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ trên biển, đặc biệt trên tàu hải quân thì rất khác biệt so với ở trên bờ, làm việc trong một điều kiện không ổn định, sóng to, gió lớn, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, cấp cứu và điều trị. Đặc biệt là trong đêm, nhiều trường hợp chúng tôi tiếp nhận sóng rất to, để xuồng cập tàu và đưa bệnh nhân lên tàu rất khó khăn, điều đó đỏi hỏi phải có kinh nghiệm trong nghề cấp cứu trên biển” - Thượng úy, bác sĩ Thái Đàm Lương - Trưởng ngành quân y Tàu 561 cho biết.
Ngay trong lúc tàu đang hải trình hướng ra đảo Đá Lớn, đội ngũ quân y đã chữa trị cho một thành viên trong đoàn tỉnh Khánh Hòa.
Lần thứ hai ra Trường Sa, ca sĩ Bùi Lê Thanh Vy, Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng vẫn bị say sóng tiền đình, xuất huyết dạ dày. Thượng úy, bác sĩ Thái Đàm Lương đã thăm khám, truyền dịch cho bệnh nhân. Theo ca sĩ Thanh Vy, bác sĩ chăm sóc rất tận tình, nên chỉ sau một buổi nằm điều trị, chị đã khỏe hẳn và có thể tiếp tục phục vụ văn nghệ cho đoàn công tác.
Mỗi khi cứu chữa thành công cho một người dân Trường Sa, hay ngư dân đánh bắt ở biển, cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ Tàu 561 cảm thấy rất vui, và như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngọc Chí