Sức sống đảo Sinh Tồn
Sinh Tồn là một trong những đảo nổi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nơi đây có dân cư sinh sống, có hệ thống hành chính, trụ sở UBND xã, có nhà văn hóa, có hải đăng và nhiều công trình dân sinh khác. Các hoạt động của đảo Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông đều có sự phối hợp của quân dân đảo Sinh Tồn. Vì vậy, có thể coi đảo Sinh Tồn là bức trường thành vững chắc bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Khoảng hơn 12h30’ ngày 11/5, tàu KN491 lần lượt chở các chuyến hàng và đại biểu lên đảo Sinh Tồn.
Khung cảnh đầu tiên gây sự chú ý của nhiều người có lẽ là một âu tàu khá lớn, dễ cũng đủ sức cho cả trăm tàu đánh bắt cá của ngư dân vào tránh, trú bão.
Âu tàu nước xanh ngắt, đẹp đến thơ mộng của một hòn đảo đã từng biết đến qua bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn ” của Trần Đăng Khoa, với nỗi khát mưa vì thiếu nước ngọt của lính đảo thời bấy giờ.
|
Để tìm hiểu về hoạt động của âu tàu, rời ca nô, tôi chưa vội vào trong đảo như mọi người, mà thẳng tới nhà Trung tâm Dịch vụ Hậu cần kỹ thuật. Tại đây, tôi gặp được Thiếu tá Trần Trọng Thái - Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hải đoàn 129.
Qua chào hỏi, giới thiệu về mình, Thiếu tá Thái vui vẻ tiếp chuyện. Anh cho biết đây là âu tàu mới được đầu tư sửa chữa nâng cấp và đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2016. Tuy vậy, Trung tâm cũng đã tiến hành sửa chữa được 40 tàu các loại, trong đó có hơn chục tàu cá của ngư dân bị hư hỏng.
Trong câu chuyện, anh cho biết: Âu tàu thực hiện dịch vụ trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân an tâm bám biển, nên việc sửa chữa hoàn toàn không lấy tiền công của bà con. Ngư dân ra đây số đông là ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... Ngoài sửa chữa, Trung tâm còn thực hiện một số dịch vụ trợ giúp như bán dầu cho ngư dân bằng giá thị trường đất liền; cung cấp nước ngọt miễn phí và sẵn sàng đáp ứng nhiều dịch vụ ưu đãi khác khi ngư dân có nhu cầu.
Từ Trung tâm Dịch vụ, đi bộ khoảng chừng 300m lòng vòng trên bờ âu tàu mới đến được giữa đảo. Đảo Sinh Tồn bây giờ đã là một xã của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đảo cách đất liền 320 hải lý, đảo chạy dài theo hướng Đông Tây, có chiều dài khoảng 400m và chiều rộng khoảng 140m. Trên đảo có nhiều công trình dân sinh được đầu tư khang trang, kiên cố, đảm bảo đáp ứng khá tốt về đời sống sinh hoạt cả vật chất lẫn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người dân.
Ở Sinh Tồn, ngoài những cây cố hữu chủ yếu như bàng vuông, phong ba, bão táp..., bây giờ, đảo đã có một số loại cây trồng được mang ra từ đất liền mà số nhiều là dừa, phát triển xanh tốt.
Ngồi nghỉ chân uống nước dưới bóng mát của nhiều loại cây trái, chợt nhớ bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa, viết cách nay đã ba nhăm năm có lẻ: “...Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão/ Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, trong nhịp đập tim người/ như đá vững bền, như đá tốt tươi...”, mà ít ai không khỏi chạnh lòng về một thời kham khổ, càng khâm phục ý chí mãnh liệt kiên cường của người lính Hải quân nhân dân Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ, những người lính Hải quân đã thực sự luôn coi: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, họ không ngừng nghỉ tiếp nhau canh giữ, vun đắp, xây dựng đảo ngày thêm xanh tươi, giàu đẹp.
Ngồi nhìn mấy chiến sĩ trẻ đang vui vẻ hướng dẫn hai bạn gái trong đoàn công tác vừa ở tàu lên về cách thức làm những nhành hoa ốc biển trông thật dễ thương và ngồ ngộ.
|
Không muốn cắt ngang khung cảnh thơ mộng và câu chuyện của họ, tôi nhẹ nhàng hỏi nhỏ một chiến sĩ ngồi bên cạnh hướng đi đến nơi hệ thống bể chứa nước mưa của đảo, với ý định chụp một vài tấm hình.
Tôi vừa dứt lời, người lính trẻ (có bảng tên trên áo là Nguyễn Minh Sơn) nhanh nhảu: - Nước ở ngay đây chú!
Vừa nói, người lính trẻ xoay người rời khỏi ghế và chỉ bước cách đó một bước chân, ngồi xuống mở nắp cho tôi xem một bể nước đầy ăm ắp. Thì ra, chúng tôi đang ngồi trên một bể chìm chứa nước mưa rất lớn; và, đó chỉ là một trong rất nhiều bể chứa nước trên đảo mà tôi được thấy sau này.
|
Nói như vậy, không có nghĩa nước ngọt ở đây dùng thoải mái như trong đất liền, nhưng kỳ thực những khó khăn trong sinh hoạt về thiếu nước đối với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã không còn là vấn đề “nóng” hàng ngày. Có lẽ cũng bởi thế mà bây giờ: khách đến thăm đảo cũng đã có chậu nước sẵn sàng đặt từ ngoài cổng để khách rửa tay, rửa mặt; đảo cũng ngày một nhiều cây xanh hơn xưa.
Nhớ lại trước đó một chút, khi đang tham quan Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật, Thượng úy Phạm Văn Hạnh, quê Thanh Hóa đã đưa tôi đi thăm vườn rau của cán bộ chiến sĩ ở đó với đủ loại, như: bầu, bí, đậu cô ve, ổ qua, rau muống và các loại rau cải... Anh Hạnh tâm sự: Từ khi có máy lọc nước biển, đảo đã có nguồn nước lợ đủ dùng để tưới rau, vì vậy mà nguồn rau xanh tự túc luôn đáp ứng đủ các bữa ăn cho cả Trung tâm.
Nhìn kệ bí đỏ, bí xanh xếp trong khuôn viên bếp, tôi không dám nghĩ là chúng được trồng tại đảo - nếu như, Thượng úy Hạnh không khẳng định lại với tôi lần thứ hai “Tất cả là của bọn em trồng tại đây đấy!”. Anh cũng cho biết thêm, không chỉ riêng Trung Tâm mà trên đảo, tất cả từ cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân đều tự túc hoàn toàn được rau xanh.
|
Thời gian trên đảo, tôi ghé thăm chùa Sinh Tồn. Bước vào sân chùa, ngay phía tay phải là một khuôn viên trang trọng, nổi bật trên tấm bia đá là dòng chữ: “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma: 14-3-1988”, và dưới hàng chữ là tên và quê quán của từng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma. Sau khi thắp nén nhang viếng vong linh các anh hùng liệt sĩ, tôi tranh thủ ghé thăm khu nhà dân trên đảo.
Ở đây tôi có dịp tiếp cận hai gia đình, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của họ tại đảo. Nhà dân tôi đến đầu tiên là gia đình chị Trần Thị Kim Loan, cả hai vợ chồng đều 40 tuổi, quê Cam Ranh, Khánh Hòa, đã tình nguyện ra đảo được 4 năm nay. Chị là giáo viên tiểu học, còn chồng làm nghề ngư.
Chị Loan cho biết, gia đình chị nói riêng và các hộ đân ở đảo nói chung, đời sống kinh tế đều ổn định, đời sống tinh thần cũng không khác đất liền là bao, vì bây giờ đảo đã có điện sinh hoạt, thắp sáng, có ti vi, sóng điện thoại...
Hỏi chuyện về các con, chị vui vẻ cho biết: Đã có một cháu 12 tuổi, đang học lớp 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cháu học chăm, ngoan nên vừa rồi được học bổng “Vừ A Dính”. Hỏi có dự kiến sinh con thứ hai, chị cười và đáp nhỏ nhẹ: Còn đang kế hoạch!
Nhà dân thứ hai tôi ghé thăm là gia đình ngư dân Võ Xuân Bản (anh 33 tuổi), vợ là Lê Thị Hoa Tranh (31 tuổi). Anh chị cho biết gia đình hiện có 3 khẩu, đứa con 6 tuổi đang học mẫu giáo gần đây, sau 5h mới về.
|
Thời gian ghé thăm hai gia đình, tôi được chủ nhà dẫn tham quan vườn rau, bầu, bí, cà chua..., thứ nào cũng lên xanh tốt. Qua tiếp xúc, tìm hiểu, điều dễ nhận thấy đối với các hộ dân trên đảo là họ luôn sống hòa thuận, đoàn kết gắn bó với nhau, với cán bộ và chiến sĩ Hải quân như một đại gia đình - theo đúng nghĩa “quân với dân như cá với nước” ở nơi đảo tiền tiêu này.
Bài và ảnh: TT