Những người “gieo chữ” nơi đầu sóng
Trường Tiểu học Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014. Ngôi trường chỉ có hơn chục học sinh cùng 2 thầy giáo trẻ. Ngôi trường cũng rất đặc biệt bởi được tổ chức theo kiểu “5 trong 1” với các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều học chung trong một lớp.
Nằm ở góc đảo Sinh Tồn, Trường Tiểu học Sinh Tồn được xây dựng kiên cố với tổng diện tích sử dụng hơn 300m2. Khuôn viên ngôi trường luôn rợp bóng mát bởi những cây phong ba và cây bàng vuông che chắn xung quanh. Học sinh của trường đều là con em của các hộ dân đang sinh sống trên đảo Sinh Tồn. Việc dạy và học được tổ chức từ thứ 2 đến thứ 7. Dù số lượng giáo viên và học sinh ít nhưng không khí giảng dạy, học tập của thầy và trò nơi đảo xa luôn sôi nổi, hào hứng, đầy ắp tiếng cười và tình thương.
Thầy giáo Nguyễn Công Qua-Trường Tiểu học Sinh Tồn cho biết, tốt nghiệp ra trường và công tác ở đất liền 3 năm, khi nghe có thông báo tuyển giáo viên cho các trường học ở huyện đảo Trường Sa, thầy đã viết đơn tình nguyện ra đảo dạy học. Còn trẻ và chưa lập gia đình, quyết định viết đơn tình nguyện ra nơi trùng khơi nhiều sóng gió dạy học của thầy Qua vấp phải sự phản đối của người thân trong gia đình. Tuy vậy, với quyết tâm và mong muốn được cống hiến sức trẻ để xây dựng biển đảo quê hương, thầy Qua cũng thuyết phục và nhận được sự ủng hộ từ mọi người để ra đảo dạy học.
|
Ra Trường Sa, công tác tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, thời gian đầu thầy giáo Nguyễn Công Qua gặp khó khăn vì chưa quen với điều kiện sống và thời tiết ở ngoài đảo. Việc dạy học cho các em theo kiểu “5 trong 1” cũng không hề đơn giản bởi 5 lớp của bậc Tiểu học đều bố trí học chung phòng. Đây là điều mà ngay cả trong tưởng tượng thầy Qua cũng không hề nghĩ tới.
Tuy vậy, nhờ nỗ lực trau dồi nghiệp vụ từ khi còn ở đất liền, thầy Qua nhanh chóng chủ động trong việc lên giáo án kép (tập đọc, tập viết, tập vẽ-hát; học toán, văn, khoa học) và dạy mỗi ngày cho nhiều em khác tuổi cùng một lúc. Vừa ra đề cho nhóm học sinh này làm bài tập, thầy Qua lại quay sang nhóm học sinh bên cạnh để dạy đọc, dạy viết…
Giống như thầy giáo Nguyễn Công Qua, thầy giáo Phạm Xuân Dịu cũng còn trẻ tuổi và chưa lập gia đình. Nhưng với tình yêu Tổ quốc, cảm phục trước sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa, thầy Dịu cũng tình nguyện viết đơn ra Trường Sa dạy học.
|
Thầy Dịu tâm sự: Với tôi, được ra Trường Sa công tác, không riêng việc dạy học mà thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào cũng đều rất vinh dự và tự hào.
Để tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng, ngoài việc triển khai giảng dạy theo giáo án, thầy Dịu và thầy Qua còn tự tay làm các dụng cụ học tập phục vụ giảng dạy. Đồng thời, chủ động lồng ghép, xen kẽ với các hoạt động vui chơi, văn nghệ giúp các em tiếp thu kiến thức nhanh hơn.
Thầy Dịu cho biết: Dù điều kiện học tập không được đầy đủ như ở đất liền nhưng chúng tôi mừng là các cháu luôn chăm ngoan, chịu khó học tập. Điều này trở thành động lực thúc đẩy chúng tôi yêu và gắn bó với nghề hơn.
|
Không chỉ dạy học và luôn trau dồi nghiệp vụ, hai thầy giáo trẻ Nguyễn Công Qua và Phạm Xuân Dịu còn có mối quan hệ thân thiết với các phụ huynh. Các thầy thường xuyên thăm nhà, trò chuyện và trao đổi với các phụ huynh, qua đó nắm bắt tâm tư, tình cảm, cũng như những đóng góp của phụ huynh học sinh để xây dựng được chương trình giáo dục hoàn thiện nhất, truyền đạt đến học sinh dễ học, dễ hiểu…
Vượt qua những khó khăn, bằng niềm tin và tình yêu dành cho học trò trên đảo, thầy và trò nơi đảo xa luôn cố gắng, không ngừng tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm để truyền đạt kiến thức tốt hơn tới học sinh. Nhìn những đứa trẻ ở lớp học đặc biệt trên đảo chăm chú nghe giảng bài, tiếp thu kiến thức, tích lũy để mai này lớn lên, trưởng thành hơn là động lực không nhỏ của các thầy nơi đây. Những thế hệ tương lai này sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo quê hương và để Sinh Tồn mãi trường tồn.
Đức Thành