Những công dân nhí trên đảo Trường Sa
Trong chuyến công tác ra thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vào những ngày đầu tháng 5/2018 của đoàn công tác số 12, tôi đặc biệt ấn tượng với những công dân nhí trên đảo Trường Sa - những chồi non đang vững chãi trưởng thành trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Gặp những chủ nhân tương lai của đảo Trường Sa (còn được sử dụng rộng rãi là Trường Sa Lớn) ngay khi giờ học buổi chiều vừa kết thúc. Mặc dù là khách lạ, nhưng khi tôi vừa bước chân vào lớp, các bé đã ùa lại quanh tôi, ôm vai, bá cổ hết sức thân thiện.
Lớp học khang trang, sạch đẹp, từ cách sắp xếp bàn ghế đến trang trí trên các bức tường trong lớp đều rất “đặc biệt”. Như đoán được suy nghĩ của tôi, thầy giáo Đồng Minh Hiệp – người tình nguyện ra đảo gieo chữ đã được 5 năm, vui vẻ giới thiệu: Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa có 2 giáo viên nam và hơn chục học sinh, từ mẫu giáo lớn đến lớp 5, các em học chung 1 phòng. Đây là lớp học đặc biệt “6 trong 1”, 2 thầy giáo luân phiên đứng lớp, vừa làm thầy dạy kiến thức, vừa làm mẹ để dỗ dành các bé mẫu giáo, lớp 1. Do là lớp ghép “6 trong 1” nên các thầy hết sức vất vả, đồng thời phải linh hoạt để chương trình giảng dạy đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường học và nhà dân chỉ cách nhau mấy bước chân, vì thế ngoài giờ học ở trường, buổi tối các thầy thường tới tận nhà để đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các em học bài. Về phía học sinh, tuy ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng các em luôn yêu thương, biết bảo ban, giúp đỡ lẫn nhau như trong một gia đình. Đặc biệt, khi có các đoàn công tác ra thăm đảo, vào lớp học tặng quà, các em rất lễ phép, sẵn sàng nhường hoặc đổi món quà mình thích cho bạn…
Ấn tượng với lớp học đặc biệt, tôi nán lại khá lâu để trò chuyện cùng các công dân nhí. Vui với sự hồn nhiên, trong trẻo của các bé, song tôi cũng thật sự ngỡ ngàng trước suy nghĩ chín chắn cùng ước mơ “lớn trước tuổi” của các em.
Bé Nguyễn Trà My (lớp 4) thủ thỉ với tôi: Nhà con ở Cam Ranh (Khánh Hòa), nhà có 3 anh em, con là út. Hai anh của con đã lớn, theo cha mẹ đi đánh bắt cá trên biển. Con không biết bắt cá, nhưng con sẽ chăm học để sau này làm bác sĩ, ra đảo chữa bệnh cho ngư dân.
Không còn vẻ sôi nổi như lúc mới gặp, cô bé lớp trưởng Tô Phương Linh (lớp 5) lại có vẻ đượm buồn khi trò chuyện cùng tôi. Cô bé cho biết: Con buồn vì chỉ ít ngày nữa thôi con sẽ phải xa đảo, xa cha mẹ, xa thầy giáo và các bạn, các em để về đất liền học lớp 6. Nhà con có 2 chị em, chị gái đang học năm thứ 3 trường Sĩ quan Thông tin ở Khánh Hòa…Con yêu đảo, con mong đảo luôn được bình yên. Lớn lên con sẽ học ở Học viện Quân đội và trở lại đảo làm việc như các chú Hải quân.
|
Bé Nguyễn Phong Đạt (lớp 5) và bé Lê Thị Khánh Linh (lớp 3) lại ước mơ sau này sẽ trở thành thầy, cô giáo dạy học ở đảo như thầy Hiệp, thầy Việt…
Trò chuyện cùng các bé, quả thật tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mỗi bé mỗi ước mơ, song tất cả đều mong ước sau này sẽ trở lại đảo, nơi gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ của các em.
Tôi cứ miên man suy nghĩ, phải chăng ở nơi đầu sóng ngọn gió, các em lớn lên bên tiếng sóng vỗ, bên những cây bàng vuông, phong ba, bão táp; trong sự yêu thương, đùm bọc của mọi người, cùng hình ảnh những chiến sĩ Hải quân kiên cường, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương…đã nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương đất nước và chắp cánh cho những ước mơ của các em?
Chia tay những công dân nhí trên đảo Trường Sa, hành trang tôi mang theo về đất liền là ánh mắt trong veo của bé Thái Bình Hải Thùy (2 tuổi)- em bé được sinh ra bên những con sóng bạc đầu, trong niềm vui vỡ òa của quân và dân trên đảo, là sự hồn nhiên, khỏe khoắn, là những tiếng cười rộn rã và ước mơ tiếp bước cha anh của các bé: Khánh Linh, Phương Linh, Trà My, Phong Đạt…
Tôi tự hào vì Trường Sa hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt, căng tràn nhựa sống. Và các em, những mầm non trên đảo chính là biểu hiện sống động cho sức sống mãnh liệt ở nơi đây, là sự tiếp nối của các thế hệ người Việt luôn kiên trung, vững vàng nơi đầu sóng.
Mong mọi điều tốt đẹp đến với các em. Cả nước luôn hướng về các em, về biển đảo thân yêu.
Hoàng Thúy