Những cánh thư vượt sóng
Mỗi khi có đoàn đến Trường Sa, những người lính đảo lại hồi hộp chờ đợi những lá thư mang tình cảm yêu thương từ đất liền. Và, chính những cánh thư mang “hơi ấm đất liền” đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính đảo vững tay súng, bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong chuyến hải trình đầu năm 2018, trên con tàu HQ561, chúng tôi đến với 12 điểm đảo của quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Tại những điểm đến, tôi rất ngạc nhiên khi tới bất cứ điểm đảo nào, anh Trần Vũ Thành- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ “Vì biển đảo quê hương” cũng cầm một túi đựng hàng trăm lá thư gửi các chiến sĩ ở Trường Sa. Càng ngạc nhiên hơn khi tôi biết được những lá thư ấy không chỉ của người thân của các chiến sĩ mà trong đó có cả thư của các em học sinh ở các tỉnh thành phía Bắc gửi cho các chiến sĩ Trường Sa. Đây là món quà tinh thần to lớn của học sinh cả nước dành cho cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa- những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
|
Anh Trần Vũ Thành cho biết, hàng năm vào dịp giáp Tết Nguyên đán, các chuyến tàu mang quà tết đến Trường Sa nên ngay từ giữa năm, Câu lạc bộ phối hợp với các trường học trong cả nước đã phát động phong trào viết thư cho các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa nhằm gắn kết, nối tình cảm của đất liền với đảo xa. Chỉ sau vài tháng đã có hàng nghìn lá thư của các em học sinh từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học gửi về Câu lạc bộ. Những lá thư này được Câu lạc bộ lưu giữ cẩn thận để cuối năm sẽ theo các chuyến tàu vượt sóng đến với người lính đảo ở Trường Sa.
Vẫn biết, ở một số điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa giờ đã “phủ sóng điện thoại” nhưng do thời tiết và nhiều yếu tố khác, những người giữ biển vẫn chưa thể thoải mái sử dụng điện thoại cho các nhu cầu văn hóa tinh thần. Hơn nữa, các hoạt động giao lưu tình cảm của các chiến sĩ Trường Sa- những người ngày đêm sống giữa đảo xa, canh giữ từng tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng là một nhu cầu có ý nghĩa thiết thực. Vậy nên, những lá thư vượt biển đến Trường Sa hết sức ý nghĩa và được chiến sĩ mong chờ...
Như là những niềm mong đợi từ lâu, lá thư vừa được trao, các chiến sĩ liền mở đọc với cảm xúc vui mừng hân hoan. Những dòng tâm sự chân thành của tuổi học trò như tiếp thêm sức mạnh cho người lính hải quân vững vàng hơn trước trùng khơi bao la.
Lá thư của em Nguyễn Thị Giang- học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Long Phương (thành phố Hà Nội) với những dòng chữ mộc mạc gửi cho chiến sĩ Trường Sa, khi đọc được khiến tôi thật sự xúc động.
Em Giang viết: Mỗi ngày đến lớp, cháu nhìn tấm bản đồ hình chữ S, dường như Trường Sa luôn hiện ra trước mắt của cháu là hình ảnh các chú bộ đội hải quân đang cầm súng canh giữ biển đảo quê hương. Cháu mong ước sau này sẽ trở thành bộ đội hải quân để được cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Và đây là dòng tâm sự của em Hoàng Thị Hà Trang (học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) gửi cho chiến sĩ Trường Sa với những chia sẻ khó khăn mà người lính đảo phải trải qua với tấm lòng khâm phục và biết ơn: “Qua phương tiện thông tin đại chúng, cháu biết các chú, các anh phải rời xa gia đình, người thân đến nơi đảo xa. Các chú cũng phải vất vả chống chọi với sóng gió, thời tiết khắc nghiệt để canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, bảo vệ sự bình yên cho chúng cháu học tập. Cháu biết ơn và luôn khâm phục các chú, các anh. Các chú là người hùng trong lòng cháu. Cháu hứa sẽ tích cực học tập, rèn đức, luyện tài để sau này góp sức xây dựng đất nước ta phát triển…”. Điều đó như ngọn lửa nhỏ được nhen nhóm lên từ các em học sinh và phần nào làm ấm lòng các chiến sĩ canh giữ đảo.
Những lá thư đến với Trường Sa, dù là thư của người thân hay của các em học sinh, đều được cán bộ chiến sĩ nơi đầy chờ đợi để được lắng nghe những tâm sự chân thành với sự trân trọng, mừng vui. Đọc những lá thư chan chứa tình cảm ấy khiến các chiến sĩ không giấu được niềm xúc động trào dâng.
Trung sĩ Nguyễn Văn Lợi- đảo Núi Le cho biết: Đọc những dòng tâm sự của các em học sinh làm cho tôi rất vui và xúc động. Những lời nói từ đáy lòng cho thấy các em luôn hướng về Trường Sa, làm cho người lính chúng tôi yên tâm và thấy đất liền như gần hơn. Chúng tôi hứa sẽ nguyện cống hiến hết mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Thiếu tá Vũ Quang Minh- Chính trị viên đảo An Bang chia sẻ: Những lá thư từ đất liền của người thân, học sinh hay đồng bào ta là nguồn động viên tinh thần to lớn với lính đảo chúng tôi. Ở ngoài này, đời sống tinh thần của người lính còn nhiều thiếu thốn, nhất là về tình cảm. Vì vậy, những lá thư từ đất liền giúp cán bộ chiến sĩ thêm tin yêu, yên tâm vững tay súng canh giữ biển đảo. Chúng tôi biết người thân và đồng bào cả nước luôn hướng về Trường Sa, đặt niềm tin lớn đối với người lính đảo. Vì thế, chúng tôi không quản ngại gian khó, nguyện hy sinh bản thân mình bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.
Đại tá Phan Ngọc Quang- Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) cho biết, ông đã đọc được nhiều lá thư gửi từ đất liền; trong đó có những dòng tâm sự đầy xúc động của một người con gái viết thư gửi ba là chiến sĩ hải quân ở Trường Sa để lại trong ông ấn tượng sâu nặng.
Ông Phan Ngọc Quang còn nhớ như in một đoạn lá thư ấy: “Dẫu biết rằng khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa xa lắm, nhưng con tin, ở nơi ấy, ba sẽ cảm nhận được tình cảm sâu sắc của con gái yêu. Mỗi lần nhớ ba, con lại ngắm nhìn con ốc biển ba tặng. Ðặt con ốc bên tai, không chỉ nghe tiếng sóng biển rì rào mà con còn nghe cả giọng nói ấm áp của ba nữa…Ba hãy yên tâm công tác, con và mẹ luôn hướng về ba, về biển đảo quê hương”. Và, ông đã đọc lại cho chúng tôi nghe từng chữ một trong niềm xúc động nghẹn ngào trào dâng.
Những cánh thư trao đổi, sẻ chia tình cảm giữa những chiến sĩ Trường Sa với người thân, học sinh và đồng bào ta ở đất liền là sợi dây kết nối tình cảm làm cho giữa đất liền với Trường Sa như gần hơn. Đó chính là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho người lính đảo vững chắc tay súng canh giữ biển đảo quê hương.
Bài và ảnh: Phúc Nguyên