Những bức thư vượt trùng khơi
Những cánh thư từ mọi miền đất nước gửi ra Trường Sa chính là nguồn an ủi, động viên to lớn với cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Bởi, chính những “cánh thư vượt sóng” đó mang đầy “tình thương, hơi ấm đất liền”, nhắc nhở rằng Tổ quốc và nhân dân luôn là điểm tựa vững chắc của những người lính nơi tuyến đầu canh giữ biển đảo.
Những bức thư, tấm thiệp mang “hơi thở” từ đất liền
Trong những năm gần đây, các chuyến tàu thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trước Tết Nguyên đán ở Quần đảo Trường Sa đều có các bạn thành viên ở Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cùng tham gia. Trong hành trình đến với Trường Sa, các bạn trẻ trong Câu lạc bộ có nhiệm vụ trao những phần quà Tết của các ban, ngành, địa phương cùng những bức thư, tấm thiệp của các em học sinh, sinh viên trên khắp cả nước gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa.
|
May mắn khi chúng tôi được tham gia Đoàn công tác của vùng 4 Hải quân làm nhiệm vụ thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên con tàu Khánh Hòa - 01 (Tàu bệnh viện 561) đi 14 đảo nằm giữa huyện Trường Sa và chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Trường Sa háo hức chờ đợi những cánh thư từ đất liền. Khi tàu đến đảo Sinh Tồn, Nguyễn Gia Hân - thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” lại tất bật trao tận tay những bức thư của các em sinh viên Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) và những tấm thiệp của các em học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (thành phố Hà Nội) gửi cho các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn.
Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn lúc nhận thư và thiệp từ Gia Hân. Lúc ấy mỗi chiến sĩ được nhận từ 3 - 4 bức thư và những tấm thiệp, có người chọn cho mình 1 góc riêng để ngồi đọc, có người thì đứng đọc cùng đồng đội. Hầu hết những bức thư và những tấm thiệp có 1 điểm chung đó là chỉ đề họ tên và địa chỉ người gửi, còn ở địa chỉ người nhận được ghi bằng những cụm từ chung nhưng chứa đựng tình cảm thân thương, trìu mến như: “Gửi các chú bộ đội Hải quân yêu quý” hay “Gửi các chiến sĩ Hải quân thân mến”…
|
Lần này, trong số bức thư mà Gia Hân trao tay cho các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn, có 1 bức thư ghi rõ thông tin người gửi và người nhận. Đó là bức thư của em Nguyễn Như Quỳnh gửi cho cha của mình là trung úy Nguyễn Anh Đức, chiến sĩ đang công tác tại đảo.
Khi các chiến sĩ khác cùng vui vẻ, bàn tán sôi nổi về những bức thư, tấm thiệp của các em học sinh, sinh viên thì trung úy Nguyễn Anh Đức lại ngồi 1 mình ở góc riêng dưới những tán cây tra để đọc thư của con gái mình.
Đợi trung úy Nguyễn Anh Đức đọc xong bức thư con gái anh gửi, tôi tiến lại hỏi thăm và được anh cho xem nội dung của bức thư. Trong thư, Như Quỳnh tâm sự với anh rất nhiều, ở cuối thư Như Quỳnh viết: “Sắp tới Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, con chúc ba và các chú ngoài đảo luôn khỏe mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, ở đất liền luôn hướng về biển đảo quê hương, nơi có các anh, các chú và ba ở ngoài đó. Con ước một ngày mình sẽ được đến với Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, dù biết rất khó nhưng con nhất định sẽ làm được, con hứa đấy! Ba hãy yên tâm công tác, con sẽ luôn học tập thật tốt để ba không phải bận lòng. Cuối thư, chúc ba, các anh và các chú luôn khỏe mạnh, đoàn kết, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!”.
|
Tâm sự với tôi, trung úy Đức cho biết, nhận được thư của con gái, anh biết được nhiều thông tin về cuộc sống ở đất liền của con mình trong thời gian vừa qua. Nhờ vậy, anh cảm thấy yên tâm hơn để công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ ở ngoài đảo.
Bức thư nối liền quá khứ đến hiện tại
Chia tay đảo Sinh Tồn, tôi cùng đoàn công tác lên tàu Khánh Hòa - 01 tiếp tục di chuyển sang đảo Cô Lin cách 10 hải lý. Trước khi đến đảo Cô Lin, tàu Khánh Hòa - 01 tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, khi tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên, mọi thành viên trong đoàn công tác đều cúi đầu xúc động tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuối buổi lễ, các thành viên trong đoàn công tác lần lượt di chuyển về phía đuôi tàu, nhẹ nhàng thả vòng hoa, nén hương xuống biển cho các anh. Gia Hân cũng thực hiện 1 nhiệm vụ quan trọng, đó là thả xuống biển bức thư của em Chấn Long (10 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) viết gửi cho 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh tại trận hải chiến Gạc Ma vào ngày 14/03/1988.
|
Trong thư, Chấn Long viết: “Cháu tìm hiểu sự hy sinh, dũng cảm, quật cường ở nơi đầu sóng ngọn gió. Các chú đã dâng trọn tuổi thanh xuân, ký ức về gia đình, người thân, bạn bè để bảo vệ cho điều thiêng liêng nhất là chủ quyền dân tộc. Máu của các chú đã thấm đẫm lên lá cờ Tổ quốc, nên cháu xin viết bức tâm thư này gửi tới các chú lời cảm ơn chân thành. Cháu gấp 64 chú hạc trắng gửi đến các chú như một lời cảm ơn sâu sắc và mong linh hồn các chú bình an nơi đầu sóng biển khơi xanh thẳm, không còn đau khổ, sẽ được vui vẻ về trời”. Họ và tên cùng năm sinh của 64 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến năm ấy cũng được Chấn Long viết đầy đủ trong thư.
64 cánh hạc giấy cùng vòng hoa vẫn nổi trên mặt nước biển, bồng bềnh theo từng cơn sóng trôi về phía đảo Gạc Ma. Còn bức thư cứ thế dần chìm xuống biển sâu như lời nhắn đến với anh linh của các anh hùng liệt sĩ những lời tâm sự chân thành, đầy xúc động của cậu bé Chấn Long.
|
Những ngày tiếp theo của chuyến công tác, khi đến các đảo, Gia Hân vẫn bận rộn với công việc trao những bức thư cùng tấm thiệp chứa đựng đầy tình cảm, thương nhớ và cả sự ngây thơ, hồn nhiên của các em học sinh cho các chiến sĩ. Nhìn các chiến sĩ tranh nhau xem thư rồi nói cười vui vẻ, Gia Hân trào dâng nỗi niềm hạnh phúc khó tả, vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ và đem niềm vui đến với các chiến sĩ ở đảo. Bởi, Gia Hân biết đó là nguồn động viên, an ủi tinh thần to lớn đối với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa.
“Sau mỗi chuyến đi công tác ở Trường Sa về, các thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” lại tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo tại các trường học ở các địa phương. Tại mỗi trường học, chúng em đều phát động chương trình viết thư và làm thiệp gửi cho các chiến sĩ Hải quân. Với các bạn sinh viên, các bạn ấy thường viết những bức thư bày tỏ tình cảm đến các chiến sĩ. Còn với các em học sinh thì lại tự tay làm những tấm thiệp xinh xắn để gửi cho các anh. Trong chuyến đi Trường Sa trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này, chúng em gồm 6 thành viên Câu lạc bộ đi trên 3 tàu, mang theo hơn 4.000 bức thư, tấm thiệp. Phải mất nhiều ngày, những bức thư, tấm thiệp từ đất liền mới ra đến các đảo, do vậy ngoài việc kết nối, trao tình cảm chung, những bức thư và tấm thiệp còn là nguồn động viên tinh thần cho các chiến sĩ.” - Gia Hân chia sẻ.
Tại các đảo, mỗi lần đọc xong thư, các chiến sĩ Hải quân đều cất gọn vào trong ba lô của mình. Các anh coi đây là một trong những kỷ vật quý giá, gìn giữ cẩn thận trong suốt những ngày tháng làm nhiệm vụ ở ngoài biển khơi.
Đức Thành